Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 02/12/2024 18:55 (GMT +7)
Hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
Thứ 2, 02/12/2024 | 15:19:33 [GMT +7] A A
Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tại Kỳ họp thứ 23 - kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Nội dung này được thông qua sẽ góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp, giảm dần tỷ lệ sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cho nhu cầu phát triển.
Tuyến kênh thôn Đồng Ý (xã Việt Dân, TP Đông Triều) có nhiệm vụ dẫn nước cho vùng sản xuất lúa chất lượng cao D100 của thôn. Thế nhưng do đầu tư từ những năm 1999-2000, qua thời gian dài sử dụng, tuyến kênh này ngày càng xuống cấp, nhất là trong khoảng 5 năm trở lại đây, gây khó khăn cho việc điều tiết nước tưới. Thực tế cho thấy, hầu hết tuyến kênh đã bị bục các mạch vữa hai bên vách kênh, không những thế, do không được đầu tư đồng bộ nên tuyến kênh này cũng chỉ được kiên cố hóa tuyến chính, ở những tuyến “xương cá” dẫn ra các cánh đồng vẫn là những mương đất nhỏ hẹp, nhiều đoạn bị cỏ mọc che lấp.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân, cho biết: Trong hơn 10km kênh, mương thủy lợi nhỏ do xã quản lý thì có đến 70-80% đã xuống cấp. Hằng năm, nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa các tuyến mương được lấy từ nguồn thuỷ lợi phí và cấy lúa nước là 80 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để thuê người cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh môi trường và trát vữa ở những vách kênh bị hư hỏng. Cũng vì kênh xuống cấp nên lượng nước thất thoát ra ngoài rất lớn, thời gian dẫn nước kéo dài nên tốn kém cả về nhân công vận hành, tiền điện mà hiệu quả không cao.
Không chỉ riêng xã Việt Dân mà trên thực tế, phần lớn các công trình thủy lợi nhỏ đang hoạt động hiện nay của tỉnh đều do địa phương và người dân tự xây dựng. Một số công trình được xây dựng từ lâu không có thiết kế, thiếu kinh phí tu sửa thường xuyên cho nên đã xuống cấp. Bên cạnh đó, việc phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng ở các địa bàn miền núi cũng gặp khó khăn do địa hình chia cắt, tuyến kênh dài, diện tích phục vụ nhỏ nên một số địa phương không có nhiều kinh phí để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thủy lợi nhỏ, nội đồng…
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), hệ thống thủy lợi trên địa bàn hiện có 188 hồ chứa thủy lợi, 460 đập dâng, 104 trạm bơm tưới, tiêu và trên 3.790km kênh mương các loại. Hệ thống công trình thủy lợi về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh, tuy nhiên do hệ thống công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do các tổ chức thủy lợi cơ sở (các xã, hợp tác xã, tổ hợp tác) đầu tư, quản lý chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều tuyến kênh nội đồng chưa được đầu tư kiên cố hiện vẫn là kênh mương đất nên hiệu quả dẫn nước kém, rò rỉ nhiều gây thất thoát nước lớn và thường xuyên bị sự cố đã ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.
Để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương và lấy ý kiến tham gia, thẩm định của các đơn vị theo đúng quy định để xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh.
Theo dự thảo, Nghị quyết sẽ hỗ trợ 70% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình (không bao gồm chi phí GPMB) cống, kiên cố kênh mương, riêng vùng miền núi hỗ trợ 90% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình (không bao gồm chi phí GPMB). Điều kiện hỗ trợ là công trình có nhiệm vụ cấp nước, tưới, tiêu, thoát nước có quy mô nhỏ hơn 20ha đối với vùng miền núi; 100ha đối với vùng đồng bằng. Song song với đó, để đảm bảo an ninh nguồn nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, nâng chất lượng sản phẩm, Nghị quyết cũng sẽ hỗ trợ đầu tư 100% chi phí thiết kế, máy thi công để xây dựng công trình tích trữ nước. Đối với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha; hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha. Tổng nhu cầu hỗ trợ khoảng 333 tỷ đồng (trung bình là 66 tỷ đồng/năm), trong đó hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương là 326 tỷ đồng và trên 7 tỷ đồng để hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân là thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, nhấn mạnh: Chúng tôi rất mong muốn chính sách sẽ được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm nay. Nếu được thông qua sẽ có trên 300km tuyến kênh mương (chủ yếu mương đất) sẽ được đầu tư kiên cố hóa và sẽ có khoảng 180ha cây trồng chủ lực của tỉnh, cây trồng tại các vùng sản xuất tập trung được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến. Từ đó góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp, giảm dần tỷ lệ sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ du lịch, nhất là trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu bất thường hiện nay.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()