Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:12 (GMT +7)
Phát triển trung tâm dược liệu xanh vùng Đông Bắc
Thứ 3, 25/05/2021 | 06:43:17 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu. Thực tế có không ít hộ dân vùng cao, vùng xa của tỉnh đã làm giàu từ cây dược liệu. Tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của cây dược liệu; từng bước xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm dược liệu của vùng Đông Bắc nói riêng, cả nước nói chung.
Ghi nhận ở “thủ phủ” dược liệu
Được mệnh danh là “thủ phủ” dược liệu của tỉnh, huyện Ba Chẽ hiện có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng độc đáo, mức độ đặc hữu cao, với hơn 30 loài dược liệu có giá trị, như ba kích, trà hoa vàng, quế, lan kim tuyến, nấm linh chi, sâm cau đỏ…
Xác định cây dược liệu là cây kinh tế triển vọng, những năm qua, huyện Ba Chẽ đã có những chỉ đạo cụ thể nhằm bảo tồn, phát triển các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Huyện tăng cường các chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích người dân phát triển sản xuất cây dược liệu. Đồng thời, chủ động kêu gọi thu hút, vận động cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong trồng, chế biến dược liệu.
Đã có nhiều DN đến tìm hiểu đầu tư trồng, chế biến dược liệu; trong đó có 3 DN đã xây dựng quy hoạch chi tiết, đang hoàn thiện thủ tục thuê đất để triển khai dự án, là: Công ty CP Phú Khang HT với dự án trồng và chế biến cây dược liệu, diện tích gần 200ha tại xã Thanh Sơn; Công ty CP Dược, vật tư y tế Quảng Ninh với dự án trồng và chế biến dược liệu, diện tích gần 130ha tại xã Minh Cầm…
Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 DN, HTX và gần 800 hộ dân tham gia trồng, chế biến dược liệu. Nhờ có sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, diện tích cây dược liệu, nhất là ba kích, trà hoa vàng, địa liền… của huyện tăng tương đối nhanh. Huyện hiện có 112ha trồng cây ba kích tím, 177ha cây trà hoa vàng, 7ha cây dược liệu khác; dự kiến còn tăng nhanh thời gian tới.
Dù mới thành lập, HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ hứa hẹn sẽ mang lại nhiều triển vọng cho sự phát triển của cây trà hoa vàng nói riêng, ngành dược liệu nói chung ở Ba Chẽ. HTX ký kết thu mua nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ trà hoa vàng: Hoa sấy khô đóng lọ, bột trà Matcha, bánh…
Ông Nguyễn Thành Trọng, Giám đốc HTX, cho biết: Trà hoa vàng là loại dược liệu có giá trị, thị trường tiêu thụ khá rộng. Điều này thôi thúc HTX muốn phát triển và phát huy hơn nữa giá trị loại dược liệu quý này. HTX đang từng bước đa dạng hóa sản phẩm trà hoa vàng, như nước uống, mỹ phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu 3ha với quy trình sản xuất khép kín; xây dựng 1 phòng nghiên cứu phát triển giống để góp phần bảo tồn và phát triển giống cây trà hoa vàng của địa phương.
Theo ông Vi Văn Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ: Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trọng tâm phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Để làm được điều này, huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Đề án là trồng mới 236ha cây ba kích, 230ha cây trà hoa vàng, 51ha cây dược liệu khác...
Bảo tồn, phát triển cây dược liệu
Theo số liệu thống kê gần đây nhất, Quảng Ninh hiện có trên 900 loài cây thuốc thuộc các họ, chi khác nhau. Trong đó có rất nhiều loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao phân bố rải rác tại các địa phương: Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên, Đông Triều…
Để từng bước mở rộng diện tích cây dược liệu trên địa bàn, tỉnh đã áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Chính phủ về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Đồng thời, tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách riêng tạo hành lang pháp lý cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng, như: Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về việc ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh"; Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh "Về việc ban hành Quy định triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/Q-HĐND của HĐND tỉnh...".
Các chính sách với những ưu đãi lớn về vốn, giống, khoa học kỹ thuật… đã tạo động lực, khuyến khích các đơn vị, DN mạnh dạn đầu tư các mô hình trồng, chế biến cây dược liệu quy mô lớn. Tiêu biểu như mô hình trồng và phát triển cây dược liệu của Công ty CP Secoin Quảng Ninh (TX Đông Triều), diện tích 70ha tại các xã Tràng Lương, Bình khê (TX Đông Triều), chuyên trồng các cây nghệ, đinh lăng, địa hoàng, kim ngân, hoài sơn, diệp hạ châu, trinh nữ hoàng cung. Công ty cũng dành 40ha để thành lập Trung tâm bảo tồn những cây thuốc quý, cây thuốc có nguy cơ cạn kiệt. Mô hình trồng cây dược liệu của Công ty CP Công nghệ xanh Đông Sơn (TP Hạ Long), tổng diện tích 85ha tại TP Hạ Long; mô hình của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả), diện tích 30ha tại TP Cẩm Phả.
Trong quá trình phát triển sản xuất cây dược liệu, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến dược liệu giữa các hộ sản xuất với HTX, DN, tổng diện tích khoảng 568ha, cây trồng chủ yếu là ba kích, trà hoa vàng. Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) đánh giá: Việc liên kết, sản xuất, tiêu thụ, chế biến dược liệu không chỉ giúp người trồng có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô phát triển, mà còn giúp cho cơ sở sản xuất có được nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu sản xuất ngày càng tăng. Đây cũng được xem là tiền đề quan trọng cho sự phát triển nhân rộng cây dược liệu toàn tỉnh những năm tiếp theo.
Nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả khác cũng đã được tỉnh triển khai, như: Hình thành vùng bảo tồn, phát triển cây dược liệu tập trung tại Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử và Thung lũng dược liệu xanh Ngọa Vân - Yên Tử; ứng dụng thành tựu KHCN vào trồng, chế biến cây dược liệu, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và thương hiệu dược liệu Quảng Ninh; ban hành Quy hoạch phát triển cây dược liệu Quảng Ninh...
Hướng tới trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc
Từ những tiềm năng sẵn có và kết quả phát triển cây dược liệu với nhiều tín hiệu đáng mừng, Quảng Ninh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng và mở rộng chủng loại cây dược liệu có ưu thế trên địa bàn. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích cây dược liệu trên 16.500ha; trong đó, trên 7.000ha cây hồi, 2.170ha cây ba kích, 1.500ha cây trà hoa vàng, hơn 2.100ha cây dược liệu khác.
Đi đôi với tiếp tục trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác, duy trì, phát triển có hiệu quả diện tích cây dược liệu hiện có, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu chọn, tạo các giống cây dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh. Tỉnh triển khai các hoạt động bảo hộ, bảo tồn và đánh giá giá trị nguồn gen, tập trung vào các nguồn gen đặc hữu, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây dược liệu chất lượng cao; các vườn bảo tồn cây dược liệu, nhằm bảo tồn vững chắc nguồn gen dược liệu quý hiếm. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu trong tương lai, Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước cung ứng dược liệu cho nhu cầu trong, ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện việc trồng và sản xuất dược liệu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn: Sản xuất chủ yếu ở hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ; áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, sơ chế, chế biến còn hạn chế; nguồn dược liệu trôi nổi, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch chưa được kiểm soát tốt, ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm dược liệu của tỉnh… Tỉnh cần có những giải pháp trọng tâm hơn nữa nhằm tháo gỡ các “nút thắt” để cây dược liệu được phát triển một cách bền vững.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()