Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:32 (GMT +7)
Vân Đồn: Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản bền vững
Thứ 2, 15/04/2024 | 11:26:11 [GMT +7] A A
Huyện Vân Đồn có nhiều lợi thế nuôi trồng thủy sản (NTTS), mở ra hướng phát triển an toàn, bền vững. Nghề NTTS ở huyện những năm gần đây khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Quy hoạch vùng NTTS
Vân Đồn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều vũng, vịnh kín gió, thích hợp cho NTTS. Tuy nhiên, một thời gian dài người dân chưa biết cách tạo ra sản phẩm giá trị kinh tế cao, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đủ mạnh; sản xuất thủy sản chủ yếu là nhuyễn thể hai cùi và các sản phẩm cá lồng bè cung cấp cho thị trường nội địa. Mặc dù 2 sản phẩm này được đánh giá rất cao trên các thị trường lớn, song người dân vẫn bị thương lái ép giá, sản phẩm chưa có chỗ đứng, không đồng đều về mặt chất lượng, hoặc chỉ dừng lại ở sản phẩm thô (chưa qua chế biến sâu).
Nhận thức được vấn đề này, với sự định hướng của đơn vị chuyên môn trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện quy hoạch vùng NTTS, lấy sản phẩm nhuyễn thể và cá lồng bè làm trọng tâm. Huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến thủy sản, khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác, duy trì hoạt động của một số hiệp hội những người chuyên sản xuất thủy sản theo các ngành nghề riêng; xây dựng chương trình quảng bá, thương hiệu cho một số sản phẩm thủy sản thế mạnh đặc trưng Vân Đồn, tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng đối với một số sản phẩm chủ lực.
Theo thống kê, tiềm năng nuôi cá của huyện là 1.156ha, hiện nay toàn huyện mới nuôi gần 100ha; tiềm năng nuôi nuôi nhuyễn thể là 6.288ha, hiện huyện nuôi 3.300ha. Xác định mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển ngành nuôi biển, tạo ra giá trị gia tăng, huyện xây dựng Đề án NTTS. Theo Đề án, diện tích ranh giới quy hoạch nuôi biển của huyện đề nghị tích hợp vào quy hoạch tỉnh là trên 23.821ha. Trong vùng từ 3 hải lý trở vào trên 12.385ha, từ 3-6 hải lý là trên 8.360ha, ngoài 6 hải lý là 3.075ha. Căn cứ vào các yếu tố như nguồn nước, độ sâu, dòng nước, phù du… diện tích nuôi biển của huyện sẽ phân chia thành 71 vùng nuôi, theo tỷ lệ đối với nuôi nhuyễn thể không quá 25% mặt nước, nuôi cá là khoảng 6% mỗi vùng nuôi.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Vân Đồn hiện có 62 cơ sở NTTS được cấp mã vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc. Các cơ sở đã áp dụng kỹ thuật mới nên sản phẩm nuôi trồng đồng đều, tỷ lệ con giống sống cao (trên 70%), thời gian nuôi rút ngắn từ 2-3 tháng/vụ, giá bán ổn định và cao hơn từ 20-25%, có nhiều mô hình liên kết điển hình, như: HTX Hàu sữa Vân Đồn, HTX Phất Cờ, HTX Bảo Anh, HTX Thắng Lợi. Đặc biệt, nhờ liên kết đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo, vừa tận dụng được nguồn rác thủy sản, vừa tạo doanh thu. Điển hình như mô hình liên kết giữa HTX Hàu sữa Vân Đồn và HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh trong thu mua, chế biến vỏ hàu thành bột, bổ sung cho cây trồng và chăn nuôi.
Từng là những người nuôi biển bấp bênh, luôn bất an khi phải đối mặt với hàng loạt rủi ro về môi trường, thị trường, những thành viên HTX Phất Cờ đã xây dựng thành công mô hình nuôi rong sụn xen canh với hàu tại vùng biển Vân Đồn. Mỗi năm nuôi trồng 3 vụ rong sụn, sản lượng từ 70-100 tấn/ha/năm. Đây là hướng đi mới trong phát triển đa dạng đối tượng NTTS, giảm thiểu những tác động tới môi trường do nuôi hàu ở mật độ cao, nâng cao giá trị ngành thủy sản. Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ, cho biết: HTX đã thu hút 23 thành viên tham gia, doanh thu bình quân trên 1,1 tỷ đồng/thành viên/năm, lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng/thành viên/năm.
Trước kia hải sản Vân Đồn chủ yếu xuất bán ra thị trường dưới dạng tươi sống; người nuôi luôn phải đối mặt với nguy cơ được mùa mất giá hoặc không thể tiêu thụ được do các yếu tố dịch bệnh, bởi chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Nay huyện khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm thủy sản. Hầu hết các cơ sở này đã đầu tư hệ thống máy móc, quy trình chế biến khá hiện đại. Toàn huyện hiện có 11 đơn vị, cơ sở tham gia chương trình OCOP với 43 sản phẩm, trong đó có 19 sản phẩm được cấp sao.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh là một trong những đơn vị đã đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại của Nhật, châu Âu, cho ra đời nhiều sản phẩm thương hiệu OCOP chất lượng, như: Ruốc hàu, ruốc cơ trai, ruốc bề bề, ruốc tép, ruốc ngao hai cùi, bánh phồng hàu. Nhiều sản phẩm mới của Công ty được bán ở các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi và xuất khẩu. Chị Vũ Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Với việc đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất hiện đại, khép kín đảm bảo vệ sinh ATTP, các sản phẩm của đơn vị luôn giữ được giá trị dinh dưỡng tốt nhất và an toàn đối với người tiêu dùng.
Nhờ phát huy thế mạnh, sản lượng NTTS của huyện tăng qua các năm; quý I/2024 đạt 18.507 tấn.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()