Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:24 (GMT +7)
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên: Vì sao 'ế' 13.400 lượng?
Thứ 4, 24/04/2024 | 09:20:38 [GMT +7] A A
Chỉ 2 đơn vị trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng trong phiên đấu thầu vàng sáng 23/4. Thông tin khiến dư luận ngỡ ngàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá vàng tăng giảm bất thường đã khiến nhiều đơn vị không dám bỏ thầu trong khi giá cọc cao. Điều này khiến mục tiêu hạ nhiệt giá vàng bằng đấu thầu khó thành công.
Giá vàng miếng SJC tăng sau phiên đấu giá
Thị trường vàng trong nước hơn 1 tuần qua liên tục điều chỉnh giảm trước thông tin đấu thầu. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đấu thầu vào ngày 22/4 rồi bỗng huỷ và chuyển sang ngày 23/4. Giá đặt cọc cũng được NHNN thay đổi từ 81,8 triệu đồng/lượng xuống 80,7 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng miếng SJC ngoài thị trường cũng giảm và về mốc 82 triệu đồng/lượng ngay trong sáng 23/4.
Thế nhưng, sau khi có kết quả đấu thầu, giá vàng SJC lại tăng mạnh lên mốc 83 triệu đồng/lượng. Cuối ngày, giá vàng miếng SJC Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết 81 - 83,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch buổi sáng. Nguyên nhân là kết quả đấu thầu không được như kỳ vọng.
Theo thông báo của NHNN, sáng 23/4, có 2 đơn vị trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng, tức chiếm 20% lượng chào thầu. Giá trúng thầu cao nhất 81,33 triệu/lượng, thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.
Được biết, 2 đơn vị trúng thầu là SJC và ACB. Tại phiên đấu thầu có 11 đơn vị tham gia đấu thầu, gồm 7 ngân hàng là VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý.
“Tôi cho rằng, việc tổ chức đấu thầu nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế chưa phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài chúng ta cũng cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay”.
|
NHNN quy định mỗi đơn vị được phép đặt thầu với khối lượng tối thiểu 1.400 lượng, tối đa 2.000 lượng. Giá sàn bỏ thầu là 81,3 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với thông báo cọc ngày 22/4.
Hạ nhiệt không thành công!
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Khánh cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - cho rằng, việc NHNN đấu thầu vàng ở thời điểm này và lại yêu cầu số lượng mua tối thiểu là 1.400 lượng cũng khiến các đơn vị tham gia đấu giá hết sức cân nhắc. Vì 1.400 lượng vàng miếng SJC ở thời điểm này tương đương hơn 113 tỷ đồng. Bởi giá thế giới hai ngày hôm nay đi xuống cho thấy mua vào lúc này không thực sự thuận lợi. Bỏ ra số tiền khổng lồ nếu trúng thầu nhưng không biết có tiêu thụ kịp không, vì sức mua của thị trường lúc này rất yếu.
Ông Khánh phân tích, thời điểm này việc đấu thầu vàng khác với cách đây hơn 10 năm. Năm 2013, quy mô thị trường vàng rất lớn. Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng phải mua vàng để tất toán khi chấm dứt huy động và cho vay vàng theo quy định tại Nghị định 24.
Do vậy, các công ty vàng và ngân hàng tham gia đấu thầu với tâm thế tính toán xem mua được với giá nào và với giá mua đó có thể lời được bao nhiêu. Do vậy, vào phiên đấu thầu chỉ cần NHNN phát giá là trong tích tắc có thể quyết định mua hay không.
“Hiện nay, tình hình đã khác hẳn vì quy mô thị trường vàng rất nhỏ, các ngân hàng cũng không còn nhu cầu mua vàng tất toán trạng thái. Vì vậy, số ngân hàng tham gia ít hơn so với cách đây hơn 10 năm. Hai đơn vị trúng thầu là những đơn vị cần vàng vào thời điểm này, còn lại hầu hết đang thăm dò thị trường”, ông Khánh nói.
Với giá trúng thầu chỉ thấp hơn thị trường hơn 1 triệu đồng/lượng, ông Khánh đánh giá không thể làm hạ nhiệt thị trường ngay được. “Theo tôi, NHNN sẽ phải đấu thầu 4 - 5 phiên tiếp theo. Tuy nhiên, giá cọc sẽ phải thấp hơn nữa mới hấp dẫn các đơn vị bỏ thầu.
Tuy nhiên, việc đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế còn về lâu dài vẫn phải cho nhập vàng nguyên liệu để tăng nguồn cung vàng nhẫn, trang sức”, ông Khánh cho hay.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mức giá cọc quá cao so với giá trung bình của thế giới và nó cũng cao trong điều kiện giá vàng miếng đang có xu hướng giảm. Ông Thịnh cho rằng, nếu đấu thầu xong gần 17.000 lượng vàng thị trường cũng đỡ áp lực về cung, góp phần hạ giá vàng ở một góc độ nào đó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lắng nghe cầu của thị trường đến đâu để cung cho phù hợp. Hiệp hội vàng cho rằng cần nhập khẩu khoảng 1,5 tấn vàng mới đủ nhu cầu thị trường. Như vậy rõ ràng với 16.800 lượng đấu thầu thì không thấm vào đâu.
Vào lúc 17h ngày 23/4, giá vàng thế giới giảm về mốc 2.303 USD/ounce, giảm 60 USD/ounce so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá, hiện giá vàng thế giới khoảng 70 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí. Theo đó, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()