Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:36 (GMT +7)
Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra
Thứ 6, 25/08/2023 | 22:05:25 [GMT +7] A A
Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đây là phiên họp có số lượng nội dung lớn nhất từ đầu năm đến nay, tập trung vào công tác giám sát, lập pháp và một số vấn đề quan trọng khác.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông
Theo Chương trình, kế hoạch giám sát năm 2023, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Đây là vấn đề hệ trọng, mang tính quốc sách hàng đầu, được đông đảo cử tri và nhân dân, nhất là đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên và các bậc phụ huynh quan tâm. Do đó, lần đầu tiên, phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp, góp phần phát huy tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, Báo cáo kết quả giám sát đã cung cấp bức tranh tổng thể, toàn diện, sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông. Nhiều nội dung, giải pháp, kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Bên cạnh kết quả nổi bật đạt được, Báo cáo chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là 12 văn bản chậm tiến độ, trong đó Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng. Về Chương trình giáo dục phổ thông mới: Việc thiết kế môn học Lịch sử chưa hợp lý, Quốc hội phải hai lần đưa vào Nghị quyết, yêu cầu điều chỉnh. Sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận...
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn về thể chế, cơ chế và tổ chức thực hiện. Theo đó, một số nội dung cần thực hiện là: Chuẩn bị dự án Luật điều chỉnh về Nhà giáo; bổ sung, sửa đổi quy định về thực nghiệm, bảo đảm chất lượng thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa... Đoàn giám sát đề xuất cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế; khẩn trương triển khai các kiến nghị nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát để triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, bảo đảm tiến độ, chất lượng; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện Chương trình phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Nhấn mạnh tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa của Quốc hội khóa XV, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, giám sát không chỉ để đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Quốc hội, mà điều quan trọng là thúc đẩy việc triển khai chất lượng, hiệu quả hơn, vì mục tiêu cuối cùng là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong lĩnh vực chất vấn
Một nội dung quan trọng của Phiên họp thứ 25 là Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, cân nhắc lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua và việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng như yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, một số đại biểu nêu vấn đề chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được giải quyết dứt điểm. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp và trách nhiệm của Bộ nhằm khắc phục tình trạng này?
Thừa nhận tình trạng này, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm có chiều hướng tăng.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm là công cụ rất mạnh. Bộ Chính trị đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản. Về lâu dài, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong xây dựng pháp luật cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.
Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho biết, hiện nay, việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế. Kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc. Chi phí logistics còn cao. Việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành Nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Đây cũng là chiến lược của ngành Nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, thực trạng liên kết còn chậm, bởi theo báo cáo của các địa phương, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
“Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, hay câu chuyện nông dân bội tín với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp bỏ cọc, thương lái bỏ cọc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ sẽ kiên trì cùng với các địa phương xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng các viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn.
Tại Phiên chất vấn, đã có 107 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 54 đại biểu thực hiện quyền chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề đại biểu quan tâm. Điều này cho thấy những vấn đề được đưa ra chất vấn được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã kịp thời được xem xét, giải quyết. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua hoạt động chất vấn còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục hạn chế, tồn tại; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát rất có hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhấn mạnh ý nghĩa và hiệu quả thiết thực nêu trên, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng: Với các giải pháp các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn. Ngành Nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đảm bảo luật đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của nhân dân
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để tiến hành xem xét, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật: dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án Luật; chung sức, đồng lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các quy định của Luật đi vào cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ luật pháp quan trọng của nhiệm kỳ, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để triển khai thực hiện các kết luận nội dung phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, chuẩn bị tốt cho Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 28/8 tới và tiếp tục chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV bảo đảm chất lượng.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()