Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 15:16 (GMT +7)
Phim chiếu rạp: Kỷ lục và bất ổn
Thứ 4, 22/02/2023 | 15:44:24 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, phim chiếu rạp ghi nhận những tiến bộ của phim Việt với mức doanh thu cao, một số phim còn cao hơn phim nước ngoài chiếu cùng thời điểm. Tuy nhiên, doanh thu cao chưa hẳn đã yên tâm, bởi vì thực sự vẫn còn nhiều bất ổn, khiến khán giả vẫn còn e dè khi nhắc đến phim Việt.
Nhắc đến những phim doanh thu cao, không thể không nhắc đến hai bộ phim làm mưa làm gió tại các hệ thống rạp khắp cả nước và vượt ra cả các rạp chiếu nước ngoài là “Bố già” và “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành.
Đầu năm 2021, Trấn Thành trình làng bộ phim điện ảnh đầu tay của mình “Bố già”, kể về sự cách biệt trong suy nghĩ, hành động giữa hai cha con, dẫn đến những hiểu sai về nhau, và được hóa giải bằng tình yêu của cả hai dành cho nhau. Phim sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời thường để kể chuyện, với những tình huống tưởng chừng có thể thấy ở nhiều gia đình hiện tại, khi sự cách biệt khiến các thế hệ trong gia đình không tìm được tiếng nói chung. Đây là bộ phim do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn, Thảo Nguyễn đảm nhiệm vai trò sản xuất, dựa trên phần kịch bản do Trấn Thành, Kalei An Nhi và Aquay chấp bút. Phim được Trấn Thành Town cùng HKFilm chịu trách nhiệm sản xuất và Galaxy Studio giữ vai trò phân phối, dựa trên bộ web drama cùng tên năm 2020. Phim công chiếu vào tháng 3/2021 và thu về hơn 400 tỷ đồng tiền vé, doanh thu cao nhất trong lịch sử phim Việt tính tới thời điểm lúc đó.
Xét về mặt sản xuất, “Bố già” được đầu tư chỉn chu, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ và đạo diễn khá khắt khe trong từng cảnh quay. Phim có tổng kinh phí đầu tư gần 23 tỷ đồng. Một con hẻm nhỏ ở một xóm lao động quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh) được chọn làm bối cảnh, được làm lại gần như toàn bộ các ngôi nhà cùng nội thất bên trong để phục vụ quay phim. Ở cảnh ngập nước, đoàn làm phim đã bít miệng cống và bơm nước ngập cả hẻm để tái hiện cảnh thành phố ngập nước sau mưa.
Phim có doanh thu cao, nhưng cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều, tạo nên một hiện tượng khi một phim Việt tạo sóng gió cả ngoài rạp lẫn trên các diễn đàn về điện ảnh. Tuy doanh thu cao, nhưng phim cũng bộc lộ những điểm yếu, như câu chuyện còn dài dòng, đôi lúc hơi lộn xộn và bị cường điệu lên quá mức. Tuy nhiên, phim cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận trong bối cảnh phim Việt chưa thực sự chiếm được cảm tình của khán giả.
Một bộ phim khác được đầu tư khá công phu cả về bối cảnh, diễn viên, và có doanh thu cũng rất cao, là “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Phim lấy cảm hứng từ cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, xây dựng lại câu chuyện tình cảm của cố nhạc sĩ với các “nàng thơ” trong các sáng tác của ông. Phim thu về khoảng 100 tỷ đồng tiền vé, cao nhất tại thời điểm đó, và cũng là tác phẩm được đánh giá là nghiêm túc, không phải hài nhảm hay kinh dị. Tuy nhiên, phim vấp phải những tranh cãi khá gay gắt, khi mô tả một Trịnh Công Sơn khác với những hình dung bấy lâu nay về ông như công chúng thường được biết. Phim cũng gặp phải những phản ứng dữ dội từ các nguyên mẫu trong phim, như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy và Giáo sư người Nhật Yoshii Michiko vì những mô tả chưa chính xác cả về nhân vật và mối quan hệ giữa các nguyên mẫu với nhạc sĩ.
Đầu năm nay, một lần nữa Trấn Thành đã khiến cho cả báo giới và khán giả cũng như các chuyên gia phải nhắc đến nhiều khi “Nhà bà Nữ”, bộ phim anh chính thức đảm nhiệm cả hai vai trò đồng sản xuất và đạo diễn, đồng thời giữ một vai phụ trong phim. “Nhà bà Nữ” nhanh chóng trở thành một hiện tượng mới của rạp chiếu khi liên tục phá vỡ các kỷ lục về doanh thu, và hiện nay đang ở mức hơn 450 tỷ đồng.
Đó là những bộ phim tiêu biểu có doanh thu rất cao, thu hút được sự chú ý của công chúng, tạo được dư luận.
Nhưng sự bất ổn nằm ở phần còn lại. Đó là những phim Việt ra rạp và khiến khán giả quay lưng, thậm chí hình thành một định kiến sâu sắc “cứ phim Việt là dở”.
Năm 2022 được ghi dấu ấn là năm của những bộ phim Việt thảm họa ra rạp. “Mến gái miền Tây” ra mắt khán giả vào tháng 3/2023 là bộ phim về đề tài LGBT, lấy bối cảnh sông nước miền Tây Nam Bộ, kể những câu chuyện về những định kiến khắt khe của người đời về người chuyển giới. Nhưng bộ phim lại bị chính những người thuộc giới LGBT phản ứng vì đã làm sai lệch cái nhìn về giới này, cộng với việc xây dựng nhân vật và thoại quá lố, khiến cho người xem mất đi thiện cảm.
Hai bộ phim kinh dị bị phản ứng nhiều nhất trong năm qua là “Cù lao xác sống” và “Virus cuồng loạn”. “Cù lao xác sống” bị đánh giá là kịch bản xây dựng vô lý, hời hợt, thiếu logic, hóa trang và xây dựng nhân vật cẩu thả. Còn “Virus cuồng loạn” cũng bị đánh giá là thiếu logic, tình tiết khó hiểu, không có sức thuyết phục khán giả.
Gây phẫn nộ nhiều nhất cho khán giả là “Huyền sử vua Đinh”, xây dựng trên câu chuyện vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập triều đại mới. Nhưng phim bị đánh giá thấp về nhiều mặt, từ bối cảnh, phục trang, hóa trang, nhân vật cho đến câu chuyện, đều hời hợt, thậm chí cẩu thả. Bối cảnh thời vua Đinh nhưng vẫn lọt vào khung hình từ dây điện đến nhà bê tông, nhân vật hóa trang cẩu thả với tóc và râu “không thể giả hơn”, còn nhân vật phụ thì vẫn còn nguyên bộ tóc nhuộm đỏ của năm 2022… Phim thu về vỏn vẹn 45 triệu đồng tiền doanh thu, nhưng nặng nề hơn, còn khiến cho khán giả thêm ác cảm và quay lưng với phim Việt.
Đây chỉ là một vài phim tiêu biểu trong số rất nhiều phim thảm họa có thời gian tồn tại rất ngắn ngoài rạp và nhận về nhiều chỉ trích, chê trách từ khán giả. Khán giả luôn luôn công bằng, và là “hàn thử biểu” chính xác nhất cho các tác phẩm ngoài rạp. Rạp chiếu chỉ có chỗ cho những bộ phim được thực hiện với sự tôn trọng khán giả, lắng nghe và bắt đúng nhịp của khán giả.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()