Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:46 (GMT +7)
Phòng bệnh "thời online"
Thứ 3, 22/06/2021 | 09:46:04 [GMT +7] A A
Thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều người chuyển sang làm việc online khiến phát sinh không ít vấn đề về sức khỏe.
Tiến sĩ - bác sĩ (TS-BS) chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM (còn gọi là BV 1A), cảnh báo những người làm việc ở nhà có nguy cơ bị loãng xương nguyên nhân là do thiếu vận động.
Thủ phạm là... cái ghế
Gia đình chị Trần Mỹ C. (40 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đến BV khai báo để được sàng lọc khi cả vợ chồng chị và đứa con 17 tuổi đều bị nhức mỏi cổ, vai, lưng kéo dài. "Tôi cứ tưởng cả nhà bị mắc Covid-19, may là đi khám, làm xét nghiệm cho kết quả âm tính" - chị C. nói. Tình trạng trên chính là hậu quả của việc cả nhà vừa học vừa làm vừa giải trí trên mạng quá nhiều.
Theo TS-BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, những người làm việc ở nhà thường dễ bị... "bệnh cột sống văn phòng". Gọi như vậy vì đó là một bệnh liên quan đến công việc ngồi lâu ở văn phòng. Ngồi làm việc online ở nhà thực ra cũng không khác gì ngồi ở văn phòng.
"Ngồi lâu một tư thế sẽ bị hiện tượng chèn ép các mạch máu, dẫn đến thoái hóa cột sống cổ, cột sống thắt lưng. Thủ phạm lớn nhất của tình trạng này đó là... cái ghế ngồi. Những chiếc ghế xoay, đệm dày êm ái. Loại ghế này thường có mặt phẳng dốc vào trong, tạo nên thế ngồi gù lưng rất có hại. Tốt nhất nên chọn một chiếc ghế phẳng, lưng tựa thẳng mà ngồi, có thể ngồi ghế đệm nhưng nên chọn loại mỏng" - BS Ánh tư vấn.
BS Ánh cho biết tình trạng loãng xương cũng dễ tiến triển khi làm việc online thường xuyên tại nhà, không đơn thuần là vì thiếu nắng như nhiều người lầm tưởng. Nguyên nhân chính của việc loãng xương là thiếu vận động.
BS chuyên khoa II Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, lưu ý bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Ngồi lâu tại chỗ để làm việc là nguyên nhân gây khởi phát bệnh hoặc nặng thêm ở người đã có bệnh.
Không chỉ gây đau, khó chịu 2 chân mà suy giãn tĩnh mạch còn có nguy cơ tạo nên cục máu đông - một trong những nguyên nhân của đột quỵ, bởi cục máu đông từ chân có thể di chuyển đến bất cứ vị trí nào trong cơ thể và gây tắc nghẽn. Do đó ngồi một lúc nên cố đứng dậy vận động một chút, thay đổi tư thế. Điều này tốt cho cả bệnh cột sống lẫn bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Cẩn thận đôi mắt
Trẻ em ít bị đau lưng, đau cổ như người lớn nhưng các chuyên gia đánh giá rằng tác động về mắt "thời online" lại ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn.
Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Đơn vị Mắt BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), trẻ nhỏ không nên tiếp xúc với các loại màn hình quá 2 giờ/ngày và khoảng thời gian này nên được chia nhỏ trong ngày. Riêng các bé phải học online thì khó tránh khỏi việc tiếp xúc nhiều hơn nhưng cũng có những cách để làm giảm bớt tác hại.
Nên ưu tiên các loại màn hình lớn, khi học online thì nên cho bé học trên máy có màn hình lớn như một chiếc laptop, máy tính bàn, ngồi cách xa ít nhất một sải tay thì sẽ đỡ hại mắt hơn so với chăm chú vào màn hình của điện thoại.
Phụ huynh có thể dạy bé cách thư giãn mắt theo nguyên tắc 20-20, nghĩa là cứ nhìn vào màn hình 20 phút thì cho mắt nghỉ khoảng 20 giây. Trong 20 giây này, hãy để mắt nhìn xa vào một điểm nào đó cách ít nhất 6 m, ví dụ cho bé ra cửa sổ hay ban công nhìn ra xa một lúc, rồi sau đó trở lại học.
Cần chú ý ánh sáng trong phòng. Đừng nên nghĩ điện thoại, máy tính màn hình sáng rồi thì trong phòng hơi tối hay không bật đèn vẫn được. Sự tương phản ánh sáng quá lớn giữa màn hình và không gian bên ngoài cũng gây hại mắt. Khi ở trong phòng tối, đồng tử giãn rộng để nhận được càng nhiều ánh sáng càng tốt, do đó nhìn màn hình lâu, mắt sẽ thấy khó chịu.
Những lưu ý nêu trên hoàn toàn có thể áp dụng cho cả người lớn, để giảm những tác hại từ các loại màn hình đến đôi mắt trong bối cảnh phải làm việc online.
"Nếu bé than nhức mắt, khó chịu, nhìn mọi vật hay nheo mắt, phải chạy lại gần mới thấy, đó có thể là dấu hiệu mắt đang quá tải hoặc là mắt đã bị một vấn đề nào đó như cận thị, phụ huynh nên đưa bé đi khám ngay" - BS Ngọc Anh nói.
Theo nld.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()