Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:07 (GMT +7)
Phòng chống bệnh truyền nhiễm từ động vật
Thứ 5, 09/05/2024 | 07:46:24 [GMT +7] A A
Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, các cơ quan chức năng của tỉnh nỗ lực để ngăn chặn và phòng ngừa các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người.
Theo Bộ Y tế, trên 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người: Cúm gia cầm A(H5N1, H7N9), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…
Quảng Ninh được xác định là tỉnh có lưu hành bệnh dại. Từ năm 2017 đến nay gần như đều ghi nhận các ổ dịch dại mỗi năm và trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 6 ổ dịch dại trên động vật tại 3 địa phương: Đầm Hà (3 ổ), Hạ Long (1 ổ), Bình Liêu (1 ổ), Ba Chẽ (1 ổ). Tổng số trường hợp phơi nhiễm dại phải đi tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh phòng dại gia tăng. Toàn tỉnh có 1.951 trường hợp điều trị dự phòng phơi nhiễm bệnh dại, tăng 46,69% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 145 trường hợp cần chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, tăng 88,31% cùng kì năm 2023. Trong số các trường hợp bị phơi nhiễm vi rút dại có 89% do chó cắn, 11% do tiếp xúc với mèo và động vật khác như khỉ, chuột. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận thêm 2 ổ dịch dại trên chó, nâng tổng số ổ dịch dại lên 8 ổ.
Với cúm A(H5N1), Quảng Ninh cũng từng ghi nhận 4 ca bệnh vào các năm 2005 (3 ca); 2009 (1 ca) và có 2 ca tử vong. Toàn tỉnh ghi nhận 29 ca mắc liên cầu lợn từ năm 2017 - 2024 trong đó có 1 ca tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh dại, nhằm chủ động phòng chống bệnh dại nói riêng và các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người nói chung, đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân, tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh. Cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp và nỗ lực để ngăn chặn và phòng ngừa các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người.
Đơn cử, Sở NN&PTNT xác định và thiết lập các vùng an toàn dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là giám sát bệnh dại, cúm gia cầm nhằm phát hiện sớm để kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…
Sở Y tế chủ động giám sát chặt chẽ diễn biến, tình hình dịch bệnh dại trên người, cúm A/N5N1 và các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn tỉnh, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ; thường xuyên tổ chức điều tra dịch tễ; tăng cường triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh cho người dân; chủ động tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi; về giám sát, kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị…
Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện kiểm tra và xử lý việc kinh doanh, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm, vật nuôi và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, vật nuôi không đúng quy định, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thú y và an toàn thực phẩm. Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, đặc biệt là các loại chó, mèo, gia súc, gia cầm…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, bên cạnh thuận lợi, tích cực, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người còn khó khăn, chủ yếu liên quan nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh.
Với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực của ngành Y tế mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên; đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh cho biết: Góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt bệnh dại, thời gian tới, CDC Quảng Ninh tiếp tục tập trung 3 nhóm giải pháp chính, theo đó đảm bảo các điểm tiêm kháng huyết thanh, vắc xin bao phủ diện rộng trên địa bàn tỉnh, trước mắt, năm 2024 hoàn thành 6 điểm tiêm, đến năm 2030, với mục tiêu loại trừ bệnh dại, hoàn thành phủ rộng điểm tiêm tại 13/13 địa phương cấp huyện đều có điểm tiêm kháng huyết thanh phòng dại. Đảm bảo dự trù vắc xin, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân khi cần thiết, đảm bảo cung ứng đủ vắc xin và kháng huyết thanh rộng rãi trên địa bàn. Tiếp tục tập trung truyền thông đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng dân cư miền đông, vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo. Tăng cường củng cố phối hợp liên ngành từ tỉnh xuống đến cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác giám sát nhằm phát hiện sớm, bao vây và xử lý kịp thời các ổ dịch dại trên động vật, từ đó dự phòng bệnh dại nói riêng và các bệnh lây truyền từ động vật sang người nói chung.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()