Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 09:26 (GMT +7)
Phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng
Thứ 3, 04/10/2011 | 06:32:25 [GMT +7] A A
Những năm trước, bệnh tay chân miệng tuy đã xuất hiện, nhưng chỉ xảy ra rải rác ở một vài địa phương với số ca mắc bệnh không nhiều. Tuy nhiên, sang năm 2011 này bệnh có chiều hướng phát sinh ở nhiều nơi và hình thành các ổ dịch, số ca mắc tăng nhanh, đặc biệt đã có nhiều ca tử vong. Theo báo cáo của Bộ Y tế về tình hình bệnh tay chân miệng gửi Thủ tướng mới đây, tính từ đầu năm đến nay cả nước có trên 52.000 ca, trong đó 109 ca tử vong. Hiện đã có 61/63 địa phương có ca mắc bệnh tay chân miệng.
Ở Quảng Ninh, tính từ tháng 3-2011 đến cuối tháng 9 vừa qua, toàn tỉnh đã có 228 trường hợp bị bệnh tay chân miệng, xuất hiện rải rác ở 12 huyện, thị xã, thành phố (trừ Cô Tô và Vân Đồn). Đặc biệt mới đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 ổ dịch tại điểm trường mầm non của các xã Tân Dân và Đồng Lâm của huyện Hoành Bồ với tổng số 9 trẻ bị mắc. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có 21 ca bệnh rải rác trong cộng đồng.
Tay chân miệng là loại bệnh mới xuất hiện vài năm gần đây, có khả năng lây lan nhanh và có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ. Theo các chuyên gia y tế, bệnh nguy hiểm ở chỗ, Enterovirus 71 - tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng - có thể gây suy tim, viêm não cấp nhanh. Trường hợp cháu bé 3 tuổi ở Ngọc Hà (Ba Đình - Hà Nội) bị tử vong mới đây là do độc lực của Enterovirus 71 gây ra dẫn đến biến chứng não và tim, bệnh phát triển với tốc độ cao, mặc dù đã được sử dụng các thuốc đặc trị.
Đối tượng chủ yếu mắc bệnh tay chân miệng là trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Do đó việc kịp thời phát hiện bệnh và ngăn chặn sự lây lan là tương đối khó. Do vậy để chủ động phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời rất cần sự quan tâm, sát sao theo dõi của các bậc cha mẹ và các nhà trường. Ngoài việc tổ chức tốt công tác khử khuẩn, vệ sinh học đường ở các trường, lớp học các giáo viên cần kiểm tra kỹ các cháu khi đón vào lớp hàng ngày. Khi phát hiện có dấu hiệu ban đầu của bệnh (sốt cao liên tục, rơi vào tình trạng lơ mơ, có những nốt ban nhỏ ở lòng bàn tay, chân và miệng) phải phối hợp với gia đình tạm thời cho các cháu nghỉ học để tránh lây lan và tiến hành khám chữa kịp thời. Đặc biệt để đề phòng diễn biến xấu của bệnh có thể dẫn tới tử vong, chuyên gia y tế khuyến cáo: Các bậc cha mẹ không được bỏ qua các biểu hiện bệnh của con, nhất là sốt. Nếu trẻ sốt cao liên tục từ 39-40 độ mà sử dụng thuốc hạ sốt thân nhiệt không giảm, cần phải đưa trẻ vào viện ngay, không nên tự điều trị tại nhà...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()