Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:04 (GMT +7)
Phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên từ hải sản
Thứ 4, 19/04/2023 | 12:54:46 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, không ít trường hợp bị ngộ độc do ăn hải sản có độc tố tự nhiên. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người ăn có thể tử vong nhanh.
Con sam và con so là 2 loài hải sản có họ hàng và ngoại hình cũng như màu sắc tương đối giống nhau, khiến nhiều người nhầm lẫn. Tuy nhiên, con so biển lại chứa chất độc và gây nên nhiều ca ngộ độc, tử vong đối với những người ăn nhầm phải chúng. Mới đây (ngày 14/4) Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cô Tô đã tiếp nhận và cấp cứu cho 8 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nhầm con so biển, trong đó 3 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc nặng.
Những người có biểu hiện nhiễm độc nặng như tê lưỡi, ngứa mặt, tê tay chân, tức ngực khó thở, chóng mặt, mạch nhanh, phân áp oxy giảm đã được các bác sĩ nhanh chóng rửa dạ dày bằng than hoạt tính, truyền dịch, lợi tiểu, thở oxy qua gọng. Với sự chăm sóc và theo dõi sát của các y, bác sĩ, sức khỏe của 3 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc nặng đã ổn định.
Trước đó, ngày 1/4, TTYT huyện Vân Đồn cũng cấp cứu 3 trường hợp bị ngộ độc do ăn con so biển. Trong đó 1 trường hợp nguy kịch đã rơi vào tình trạng liệt tứ chi, suy hô hấp, bất ngờ ngừng tim, ngừng thở. Bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu tại chỗ, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để các bác sĩ tiếp tục điều trị tích cực theo phác đồ.
Hay trong năm 2022, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cũng cấp cứu kịp thời cho bà Chu Thị T (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) trong tình trạng tím tái, nhịp tim chậm, suy hô hấp do ăn gan cá nóc. Sau 24h điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo qua cơn nguy kịch, được rút ống nội khí quản. Bà T chia sẻ: Dù biết cá nóc có độc tố, nhưng trước đây khoảng chục năm, tôi đã từng chế biến và ăn thịt cá nóc mà không xảy ra vấn đề gì. Lần này chỉ ăn 2 miếng gan cá nóc tôi đã cảm thấy tê lưỡi, môi, chóng mặt, choáng váng và lập tức nhờ người nhà đưa đến bệnh viện. May mắn qua cơn nguy kịch, tôi sẽ không bao giờ ăn thịt cá nóc nữa. Mong rằng nhiều người tránh ăn loại cá này để không xảy ra điều đáng tiếc.
Các bệnh nhân kể trên đều trúng độc tố Tetrodotoxin có trong nhiều loại hải sản như so biển, cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, một số loài ốc biển… Độc tính này tác động trên thần kinh trung ương rất mạnh làm liệt các trung khu thần kinh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngừng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Đáng chú ý, độc tính này không bị phá hủy bởi nhiệt, vì vậy dù có nấu chín, đun sôi, thì người ăn vẫn có nguy cơ ngộ độc cao.
Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này, các bác sĩ chủ yếu điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế như: Giảm hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt tính, thuốc nhuận tràng, kiểm soát các chức năng hô hấp, tuần hoàn và các cơ quan khác chờ độc tố được đào thải. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi chế biến, sử dụng các loại thực phẩm. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục An toàn VSTP (Sở Y tế), cho biết: Chúng tôi đã ban hành văn bản tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới ngư dân, nhân dân vùng ven biển, khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên. Nội dung tuyên truyền chú trọng vào cách nhận biết các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên, sự nguy hiểm và khuyến cáo người dân không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()