Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:53 (GMT +7)
Phòng ngừa tai biến mạch máu não
Thứ 2, 01/07/2013 | 14:15:12 [GMT +7] A A
Hỏi: Tôi năm nay 63 tuổi, mùa hè này tôi thường thấy đau đầu không rõ nguyên nhân, mờ mắt, thấy buồn nôn,… Xin hỏi bác sỹ có phải tôi bị đột quỵ não không? Bệnh đột quỵ não có những triệu chứng như thế nào. Người cao tuổi có thể phòng tránh bằng cách nào? (Bùi Văn Kiên, Hà Tu)
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Biểu hiện như bác mô tả thường gặp ở người bị tăng huyết áp nên việc đầu tiên là bác nên đi khám bệnh để kiểm tra huyết áp của mình. Nếu bị tăng huyết áp không được điều trị và kiểm soát rất dễ dẫn đến đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch não.
Tai biến mạch máu não (Đột quỵ não) là một bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ. Tai biến mạch máu não có hai loại: nhồi máu não (do tắc mạch) hoặc chảy máu não (do vỡ mạch). Các triệu chứng thần kinh trung ương khu trú biểu hiện nhanh, ngay tức thì khi tổn thương mạch máu não xảy ra, nên tai biến mạch máu não còn được gọi là đột quỵ. Đột quỵ là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay.
Ảnh minh họa |
Cần phải đưa người bệnh vào viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Đối với người bị tai biến, thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não, v.v. Khi người có các triệu chứng sau cần phải chú ý và đưa đến bệnh viện ngay lập tức:
Các triệu chứng xảy ra đột ngột
• Đột ngột thấy tê cứng ở mặt, tay hoặc chân – đặc biệt là tê cứng nửa người
• Đột ngột nhìn không rõ (Thị lực giảm sút)
• Đột ngột không cử động được chân tay (Mất phối hợp điều khiển chân tay)
• Đột ngột không nói được hoặc không hiểu được người khác nói
• Đầu đau dữ dội
Phụ nữ có thể có các biểu hiện đặc trưng sau:
• Đột ngột đau ở mặt hoặc chân
• Đột ngột bị nấc
• Đột ngột cảm thấy buồn nôn
• Đột ngột cảm thấy mệt
• Đột ngột tức ngực
• Đột ngột khó thở
• Tim đập nhanh bất thường
Ghi chú: Chúng tôi nhấn mạnh chữ đột ngột để chỉ các triệu chứng xảy ra bất thường, không do các yếu tố bên ngoài.
Những việc có thể làm trước khi xe cấp cứu tới
- Quan sát và hỏi bệnh nhân để biết bệnh nhân còn tỉnh táo (ý thức bình thường) hay lẫn lộn, lơ mơ hoặc hôn mê (rối loạn ý thức). Kèm theo dấu hiệu đại tiểu tiện không tự chủ chứng tỏ bệnh nhân đã mất ý thức.
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh: cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân vào bệnh viện lớn có uy tín về cấp cứu tai biến mạch máu não.
- Nếu bệnh nhân hôn mê: cần xem bệnh nhân đang còn thở bình thường, thở nhanh, thở chậm, hay đã ngừng thở..., vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và cho não. Nếu toàn bộ não thiếu oxy quá 5 phút thì dù cho cấp cứu tim đập lại cũng không cứu được não, y học gọi là mất não, hoặc chết não.
- Kiểm tra nhịp tim và huyết áp ngay nếu có thể.
Đặc biệt lưu ý với người nhà hoặc người chứng kiến bệnh nhân đột quỵ não:
- Bệnh nhân đột quỵ não có thể bị một trong hai dạng: chảy máu não do vỡ mạch hoặc nhồi máu não do tắc mạch. Hai bệnh này đối nghịch nhau hoàn toàn về nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị. Các bác sỹ chuyên khoa cũng không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài để xác định chẩn đoán. Vì vậy, không được mạo hiểm tự điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là các động tác như bấm huyệt nhân trung, châm cứu, đánh gió... Những tác động đó có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh của bệnh nhân mà chúng ta vô tình không biết.
- Thực hiện hô hấp nhân tạo (CPR), nếu cần phải dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân (hô hấp miệng-miệng) nếu thấy bệnh nhân ngừng thở.
- KHÔNG ĐƯỢC cố di chuyển đầu, cổ bệnh nhân, trong trường hợp tai nạn, đầu hoặc cổ có thể bị gãy hoặc bị thương. Để bệnh nhân trong tư thế thoải mái. Nới lỏng quần áo.
- KHÔNG ĐƯỢC cho bệnh nhân ăn hoặc uống. Tai biến khiến cho người bệnh không thể nuốt và sẽ gây nghẹn, sặc.
- KHÔNG ĐƯỢC dùng aspirin, mặc dù aspirin có thể làm giảm cục máu đông trong trường hợp tai biến tắc động mạch nhưng cũng có thể gây chảy máu trong nếu là tai biến vỡ mạch máu. Nếu người bệnh đã uống aspirin trong ngày, cần phải báo với bác sỹ cấp cứu.
- Thở sâu. Thở chậm và sâu giúp bệnh nhân bình tĩnh và đưa máu lên não nhiều hơn. Để người bệnh nằm xuống và nói chuyện với người bệnh để họ bình tĩnh.
- Giữ đầu mát và thân ấm. Nếu có đá lạnh, có thể chấm nhẹ qua đầu người bệnh để giữ mát. Bọc đá trong khăn để không quá lạnh. Giữ mát đầu để giảm phản ứng phù nề khi tai biến và có thể giúp người bệnh đỡ cảm thấy đau đầu. Giữ thân ấm bằng áo khoác hoặc chăn sẽ giảm được nguy cơ co giật (sốc).
- Có thể liên hệ với một trung tâm y tế hoặc với bác sỹ thần kinh để được tư vấn sớm trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Dự phòng đột quỵ
Tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể dự đoán trước, với các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ tránh bị xảy ra đột quỵ. Mọi người trên 50 tuổi, và có yếu tố nguy cơ đột quỵ cần kiểm tra định kỳ chuyên khoa để biết trước nguy cơ gần xảy ra đột quỵ như sau:
- Làm điện tim, siêu âm tim để xác định xem có bị hẹp van hai lá, rung nhĩ, loạn nhịp tim, cục máu quẩn trong tim hay không.
- Siêu âm động mạch chủ, động mạch cảnh; siêu âm xuyên sọ để tìm mảng vữa xơ động mạch, phình động mạch, hẹp động mạch.
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu não(MRA), chụp CT scanner đa lớp cắt dựng mạch máu não hoặc chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để xác định xem có hẹp mạch máu, phình mạch, dị dạng mạch máu não hay không.
- Phòng ngừa cấp 1: kiểm soát các yếu tố nguy cơ; điều trị huyết áp, kiểm soát đường huyết, lipid máu; bỏ thuốc lá; dùng thuốc kháng đông trọn đời ở những người bị thấp tim hoặc mang van tim nhân tạo ở bên tim trái. Cân nhắc khả năng dùng thuốc kháng đông ở người bị rung nhĩ mạn tính. Tiến hành đặt stent động mạch cảnh khi hẹp trên 75%, hoặc mổ bóc nội mạc động mạch cảnh, nút coils phình mạch, nút ổ dị dạng động tĩnh mạch (AVM) để tránh nguy cơ nhồi máu não hoặc chảy máu não.
- Phòng ngừa cấp 2: Tiếp tục kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Nếu là tắc mạch máu hoặc rung nhĩ mạn tính, có thể dùng aspirin hoặc warfarin. Tiến hành can thiệp mạch thần kinh khi có hẹp động trên 50%, hoặc phình động mạch não.
Ths.Bs. Trịnh Văn Mạnh
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
Mọi thắc mắc của độc giả về vấn đề sức khỏe có thể gửi vào địa chỉ email: baoquangninh@gmail.com hoặc trinhmanhqnsyt@gmail.com
Độc giả cũng có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại 0333.829235 để được giải đáp.
Liên kết website
Ý kiến ()