Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:54 (GMT +7)
Phục hồi thị trường lao động gắn với bảo đảm an sinh xã hội
Thứ 2, 08/11/2021 | 22:25:50 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ và xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội, được chia làm hai giai đoạn: phục hồi và bứt phá.
3 gói hỗ trợ lớn đều đạt kết quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Chiều 8/11, phát biểu làm rõ thêm về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tới lĩnh vực lao động và việc làm, an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Việt Nam luôn kiên định nguyên tắc phát triển kinh tế bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.
Theo đó, hệ thống an sinh của Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu với ba chức năng: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro. Quyền an sinh của người dân được tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, chỉ số phát triển con người (HDI) tăng trưởng nhanh theo đánh giá của Liên hợp quốc.
Với phương châm an sinh xã hội là trọng yếu, là nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành 3 gói chính sách lớn, chưa có tiền lệ để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách. Đến nay, tuy còn nhiều hạn chế, vướng mắc nhưng đã có một số kết quả ban đầu.
Cụ thể, đối với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã có hơn 14 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, qua 4 tháng triển khai, toàn quốc đã phê duyệt 25,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng.
Đối với gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đã rà soát hỗ trợ 363 nghìn người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho hơn 8 triệu người lao động.
“Báo cáo Quốc hội là đến nay đã đạt 85% lực lượng lao động trong đối tượng thụ hưởng, với 20,644 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo Quốc hội.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh các gói hỗ trợ nêu trên cùng với các gói hỗ trợ của địa phương, cũng như thông qua vận động nguồn lực xã hội đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết hiện nay Chính phủ cũng đang khẩn trương triển khai các chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, bảo đảm đúng tiến độ mà Quốc hội quy định. Đồng thời, đang tiến hành điều chỉnh các chính sách tiền lương đối với đối tượng hưu trí, nhất là những người có lương hưu thấp (về hưu trước năm 1995).
Tập trung vào 7 vấn đề lớn để phục hồi thị trường lao động
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mặc dù đại dịch ảnh hưởng rất nặng nề tới thị trường lao động nhưng 1 tháng qua trong trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với Covid-19, tình hình có tiến triển rất khả quan.
Theo báo cáo và kiểm tra tại các tỉnh phía nam, hiện nay tình hình phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp chế xuất đạt từ 50-80%. Số lao động phục hồi hiện nay đạt 70-75%, cá biệt có địa phương tới 90%.
“Như vậy, so với yêu cầu đáp ứng đơn hàng thì chúng ta còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, do chúng ta đã chủ động những giải pháp nhất định, do các địa phương cũng từng bước phục hồi sản xuất, vừa bảo đảm sản xuất, vừa an toàn và chưa sử dụng hết công suất sản xuất”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng khẳng định, theo dự báo đến hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp thì khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường là đáp ứng được.
“Về vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trương báo cáo Chính phủ và xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề an sinh xã hội và chúng tôi chia làm hai giai đoạn, giai đoạn phục hồi và giai đoạn bứt phá”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Để bảo đảm chương trình phục hồi “đủ mạnh, đủ lớn” và trở thành một trong những nội dung trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung vào 7 vấn đề lớn.
Thứ nhất là hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho một số đối tượng, lực lượng lao động để góp phần phục hồi, kích cầu tiêu dùng.
Thứ hai là hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi, khôi phục, duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.
Thứ ba là nâng cao hiệu quả ứng dụng về dịch vụ công, việc làm hiệu quả, đổi mới cung cầu lao động, phát triển lao động trực tuyến, giao dịch việc làm, kết nối việc làm.
Thứ tư là hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển hệ thống đào tạo chất lượng cao.
Thứ năm là đầu tư phát triển các cơ sở, chăm lo đối tượng yếu thế, tổn thương vì dịch bệnh.
Thứ sáu là hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, chuyển đổi số trong lĩnh vực dân cư và kết nối với lao động.
Cuối cùng là tập trung chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân và những người lao động ở các khu nhập cư.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()