Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 04/11/2024 17:41 (GMT +7)
Phục hồi vận động cho bệnh nhân
Thứ 2, 28/10/2024 | 07:46:36 [GMT +7] A A
Được sự tin tưởng của nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng (LK-PHCN) tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện sứ mệnh phục hồi vận động cho rất nhiều người bệnh.
Trao hy vọng, nhận niềm tin
Bệnh nhân Đào Thị Thịm (73 tuổi, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) là một trong những trường hợp đã được phẫu thuật não điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Tuổi cao, sức yếu, việc phục hồi vận động cho bà Thịm vô cùng khó khăn. Được các bác sĩ tư vấn, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện LK-PHCN tỉnh để điều trị với hy vọng lấy lại được một phần trí nhớ và vận động.
Bà Trịnh Thị Vinh (người nhà bệnh nhân Thịm) chia sẻ: "Trường hợp của mẹ tôi khá nặng vì bà gần như mất khả năng nhận biết sau đột quỵ. Thấy có nhiều bệnh nhân vào Bệnh viện LK-PHCN tỉnh điều trị phục hồi rất nhanh, nên tôi đã đưa mẹ tôi vào đây xem có thể cải thiện được tình hình. Thật may, từ lúc chuyển nhập viện đến nay, sau 1 tháng điều trị, mẹ tôi đã có thể nhận biết, phục hồi tốt, các y bác sĩ chăm sóc nhiệt tình, chu đáo…".
Đơn nguyên Hồi sức tích cực thuộc Khoa Khám bệnh - Cấp cứu của Bệnh viện mỗi ngày điều trị cho 15 đến trên 20 bệnh nhân nặng từ bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh chuyển về. Các bệnh nhân điều trị tại Đơn nguyên thường trong tình trạng viêm phổi, mở khí quản lâu dài, liệt tứ chi… rất cần sự chăm sóc kiên trì của các y, bác sĩ và người nhà để phục hồi sức khỏe.
Một trường hợp khác đang điều trị tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực là bệnh nhân Nghiêm Thị Phương (63 tuổi, phường Phương Đông, TP Uông Bí). Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não, tăng huyết áp, vào viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người phải, cơ lực tay chân 1/5; không ngồi, không đi lại được, nói ngọng, uống nước sặc. Sau 2 đợt điều trị, bệnh nhân đã phục hồi tốt, tập đứng và tập đi lại được, nói câu rõ hơn, ăn uống bình thường.
Rất nhiều ca bệnh nặng đang được điều trị tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực và các khoa, phòng khác của Bệnh viện LK-PHCN tỉnh. Có một câu chuyện nhiều bệnh nhân rủ nhau đi Bệnh viện LK-PHCN tỉnh. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tưởng như đã mất hết hy vọng về việc phục hồi của bản thân, đã tìm đến Bệnh viện này để điều trị. Dần dần họ rủ nhau đi để hồi sinh vận động, để được chăm sóc, duy trì sức khỏe bản thân. Bệnh nhân coi Bệnh viện là nhà, y bác sĩ là người thân. Kết thúc liệu trình tập luyện họ lại hẹn nhau, động viên nhau kiên trì tập luyện các liệu trình kế tiếp để vượt qua bệnh tật.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Anh Thư, Phụ trách Phòng Điều dưỡng của Bệnh viện, cho biết: Bên cạnh chăm sóc về thuốc men, dinh dưỡng, chúng tôi đặc biệt quan tâm tập phục hồi chức năng cho người bệnh. Hằng ngày các kỹ thuật viên tập vận động, xoa bóp, phục hồi chức năng cho bệnh nhân để họ phục hồi nhanh nhất có thể.
Với hy vọng hồi sinh vận động cho người thân, nhiều gia đình đã đưa bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện LK-PHCN tỉnh. Mới đầu chỉ là thử vào viện xem thế nào, nhưng cuối cùng họ đã tin hồi sinh vận động là có thật. Nhiều bệnh nhân không thể đứng trên đôi chân của mình, không thể cử động được hai bàn tay để tự phục vụ bản thân, thậm chí ý thức cũng bị mất do không may bị tai nạn hoặc tai biến mạch máu não…, đều đã dần hồi phục sau khi điều trị tích cực, kiên trì tại Bệnh viện LK-PHCN tỉnh.
Kiên trì đồng hành với bệnh nhân
Ông Bùi Thanh Vận (79 tuổi, TX Quảng Yên) vào viện vì đau lưng tê xuống 2 chân đi lại, cúi ngửa khó khăn. Qua liệu trình điều trị bằng xông hơi, điện châm, điện xung, xoa bóp, từ trường nhiệt rung, ông Vận đã đi lại cúi ngửa dễ dàng. Nhẹ nhõm khi đã vận động được cơ thể, ông Vận chia sẻ: "Trước tôi đau lưng không thể ngồi được, nằm xuống, đứng dậy vô cùng khó khăn. Khi vào viện, hằng ngày tôi được đấm bóp, xông hơi, rồi uống thuốc, thủy châm… Đến nay bệnh của tôi đã đỡ tới 70%. Sự tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng viên; không gian Bệnh viện thoáng mát, sạch sẽ khiến tôi cảm thấy tinh thần vô cùng thoải mái".
Anh Trần Minh Toàn (TX Quảng Yên) bị tai nạn gãy 2 xương cẳng chân, hạn chế vận động gối cổ chân phải, yếu cánh tay phải, không cầm nắm được. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thủy châm, điện châm, điện xung, từ trường, bó parafin. Là người tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình, anh Toàn rất lo lắng khi tay và chân bị tổn thương sau tai nạn. Đến điều trị tại Bệnh viện LK-PHCN tỉnh, anh đã dần lấy lại tinh thần khi thấy cơ thể phục hồi khá nhanh chóng. Anh Toàn cho biết: "Lúc mới vào viện chưa đi lại được, tôi thấy rất bứt dứt, khó chịu. Sau một thời gian được các bác sĩ, điều dưỡng viên chăm sóc, chân tôi đã hồi phục được 80%, mỗi ngày thấy vui lên một chút. Hy vọng tôi sẽ sớm hồi phục hoàn toàn để lao động, kiếm thu nhập cho gia đình".
Với sự tận tâm, kiên trì đồng hành với bệnh nhân và gia đình người bệnh, các y, bác sĩ của Bệnh viện đã điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, hồi sinh vận động cho nhiều người bệnh tưởng chừng không thể đi lại được.
Sau khi được hồi sức tích cực, thường các bệnh nhân sẽ được điều trị tại Khoa Vật lý trị liệu. Khoa được bố trí một nửa mặt bằng tầng 3 và toàn bộ tầng 4 của Bệnh viện, tổng diện tích hơn 2.600m2. Khoa hiện có 7 phòng điều trị chuyên môn, 29 buồng bệnh nhân, tổng số 115 giường, thường kín bệnh nhân.
Bệnh nhân điều trị tại Khoa đa dạng về bệnh, thường gặp nhất là: Bệnh lý thần kinh (liệt do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm não, chấn thương tủy sống, viêm tuỷ, viêm thần kinh ngoại biên, liệt VII…); bệnh lý về cột sống (thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống, cong vẹo cột sống, viêm cột sống…); bệnh lý cơ xương khớp; bệnh nhân sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, sau chấn thương thể thao; phục hồi chức năng cho người bệnh bỏng, người bệnh rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn nuốt, Parkinson…
Nhiều bệnh nhân được tập luyện vận động từ giai đoạn sớm, giúp kích thích khả năng phục hồi vận động bằng các trang thiết bị hiện đại, như: Máy kích thích từ xuyên sọ; máy laser nội mạch; máy điều trị sóng xung kích; máy kéo giãn; máy điện xung, sóng ngắn; máy xoa bóp áp lực hơi; hệ thống CPM tập luyện tự động liên tục cho người bệnh sau phẫu thuật khớp; hệ thống máy tập luyện chức năng toàn thân HUR; máy tập đi bộ có nâng đỡ trọng lượng cơ thể…
Được bệnh nhân tin tưởng là động lực để tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện không ngừng phấn đấu, công hiến vì sức khỏe người bệnh. Nhằm ứng dụng triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, phát huy tối đa hiệu quả các trang thiết bị máy móc được tỉnh đầu tư, Bệnh viện tăng cường hợp tác trong phát triển chuyên môn, phối hợp với Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện E, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều tổ chức khác.
Với sứ mệnh và tầm nhìn, Bệnh viện tiếp tục phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc được tỉnh và ngành Y tế đầu tư, trong điều trị chuyên sâu các bệnh lý cơ xương khớp, các kỹ thuật can thiệp cho bệnh nhân tổn thương tủy sống, bệnh nhân sau đột quỵ não, bệnh nhân phục hồi chức năng sau chấn thương…, mang lại hy vọng hồi sinh vận động cũng chính là hồi sinh cuộc đời cho bệnh nhân.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()