Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 23/01/2025 02:14 (GMT +7)
PrEP - Dự phòng lây nhiễm HIV
Thứ 5, 25/11/2021 | 09:05:50 [GMT +7] A A
Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 14/11/2021, HIV/AIDS đã có ở 13 địa phương, với 168/177 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,9%). Trong đó, 5.667 người nhiễm hiện còn sống và xác định đúng địa chỉ có mặt trên địa bàn tỉnh; 218 người nhiễm HIV mới được phát hiện từ đầu năm 2021 đến nay; số người đã tử vong do AIDS là 5.704 người.
Với nền khoa học hiện đại, trên thế giới đã dần kiểm soát được HIV bằng việc sử dụng các thuốc dự phòng, trong đó PrEP là thuốc uống điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao, nhưng chưa bị nhiễm HIV. Thuốc PrEP miễn phí từ chương trình PEPFAR (Hoa Kỳ) thông qua Bộ Y tế, là chiến lược mới, tạo “lá chắn” hiệu quả góp phần hạn chế sự lây lan của HIV.
Theo đánh giá của chuyên môn, khi sử dụng đúng cách, PrEP là một trong những phương pháp dự phòng HIV hiệu quả nhất, góp phần hạn chế sự lây lan HIV đến hơn 90%. Năm 2014, WHO đã khuyến cáo cung cấp PrEP cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Sau đó, trên cơ sở bằng chứng rõ ràng hơn về hiệu quả và khả năng chấp nhận PrEP, năm 2015, WHO đã mở rộng khuyến cáo cung cấp PrEP cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bằng thuốc kháng vi rút ngay từ năm 2017, sau đó thí điểm mở rộng đến 26 tỉnh/thành phố trong cả nước.
Tại Quảng Ninh, tháng 4/2019 triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 3 phòng khám (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế TP Cẩm Phả và Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn).
Thuốc PrEP khá an toàn và hầu hết những người dùng không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Những trường hợp chống chỉ định sử dụng PrEP bao gồm: Người HIV dương tính hoặc chưa xác định được; người có dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm HIV cấp tính; rối loạn chức năng thận (độ thanh thải Creatinin ước lượng <60ml/phút); phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ qua...
Người có nhu cầu sử dụng dịch vụ, trước khi dùng thuốc được làm xét nghiệm HIV để xác định chắc chắn không nhiễm HIV; đồng thời thực hiện một số xét nghiệm khác, như: Xét nghiệm trong chẩn đoán suy thận, viêm gan B và C; các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Người sử dụng PrEP cần gặp bác sĩ để kiểm tra thường xuyên theo yêu cầu của bác sĩ (khoảng 3 tháng/lần). Đối với loại thuốc này, bác sĩ cũng khuyến cáo khá an toàn cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Vì vậy khi xác định có nguy cơ nhiễm HIV cần sử dụng PrEP dự phòng trước phơi nhiễm HIV để đảm bảo cho mẹ và con...
Theo bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền, Phó trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS (CDC Quảng Ninh), triển khai tại Quảng Ninh từ tháng 4/2019, đến nay đã có 158 người điều trị thuốc PrEP, trong đó hiện có 12 người đang điều trị. HIV luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi vẫn còn nhiều người chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong bối cảnh hiện chưa có vắc-xin để phòng ngừa HIV, phương pháp dự phòng bằng thuốc PrEP được coi là giải pháp hữu hiệu, góp phần hạn chế lây lan HIV.
Ngày 6/7/2021, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, đã có nhiều khẩu hiệu tuyên truyền, trong đó có “PrEP - giúp bạn dự phòng lây nhiễm HIV”. Theo đó, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã và đang tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV mới và đảm bảo 100% người nhiễm HIV được điều trị ARV cũng như các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác. Qua đó, từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()