"Đây chính xác là những gì Điện Kremlin muốn: đối thoại một cách bình đẳng với Mỹ, trong khi bên kia không yêu cầu họ phải thay đổi lập trường như một điều kiện của cuộc gặp", Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Tổ chức Khủng khoảng Quốc tế ở Moskva, đánh giá.
Bình luận viên Matthew Chance và Luke McGee của CNN chỉ ra rằng hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 16/6 tại Geneva, Thụy Sĩ, là đề xuất từ phía Washington.
"Điều đó giúp xác nhận rằng Putin là một lãnh đạo ngang tầm Biden. Tình hình dư luận xung quanh cuộc gặp cũng gần như được điều chỉnh để phù hợp với các mục tiêu trong nước của Tổng thống Nga", Chance và McGee nhận xét.
Ngoài một số cam kết cơ bản về việc đại sứ Nga và Mỹ sẽ trở lại các đại sứ quán ở nước của đối phương, đồng thời nhất trí mở đối thoại "mang tính xây dựng" với Washington trong những vấn đề như an ninh mạng và chính sách đối ngoại, Putin không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo khiến ông phải thay đổi bất cứ điều gì.
"Dường như những lời có cánh sẽ không ngăn được Tổng thống Nga tiếp tục tích cực theo đuổi chương trình nghị sự chính trị của ông cả ở trong và ngoài nước", các bình luận viên của CNN nêu ý kiến.
Ngay đầu cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ, Putin cho biết ông không nghĩ có "bất cứ hình thức thù địch nào" giữa bản thân với Biden. Tuy nhiên, nội dung họp báo vẫn là những lời chỉ trích kịch liệt quen thuộc đối với cái mà Putin cho là sự bao biện của Mỹ, dường như để đánh lạc hướng sự công kích nhằm vào Nga.
Khi được hỏi về những vụ tấn công mạng nhằm vào các thực thể Mỹ xuất phát từ đất Nga, Putin nêu ra những lần Nga cũng bị tấn công mạng. "Chúng tôi nhất trí rằng sẽ bắt đầu tham vấn về vấn đề an ninh mạng, điều mà tôi tin là cực kỳ quan trọng. Rõ ràng, hai bên đều phải đảm nhiệm những nghĩa vụ nhất định", ông chủ Điện Kremlin nói.
Khi bị hỏi về tình hình chính trị Nga, Putin đề cập đến vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington của Mỹ hôm 6/1 và vụ George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì cổ đến chết tại thành phố Minneapolis hồi tháng 5/2020. "Nhiều người da màu tại Mỹ chưa có thời gian mở miệng đã bị bắn chết", ông cho hay.
Về vấn đề Nga truy quét phe đối lập chính trị trong nước, đặc biệt là vụ bắt Alexei Navalny, Putin thậm chí cho rằng nhà hoạt động đối lập nổi tiếng này thực sự muốn bị bắt. "Người đàn ông đó biết mình đang vi phạm pháp luật Nga. Anh ta đã bị kết án hai lần, cố tình phạm luật. Anh ta đã làm chính xác những gì bản thân muốn. Vậy chúng ta còn có thể thảo luận gì về anh ta nữa?", Tổng thống Nga nói với báo giới.
Những người thường xuyên theo dõi Putin được cho là đã quen với sự tự tin và bình thản này của ông. Theo nhà phân tích Ignatov, Putin "chắc chắn sẽ tiếp tục thử thách Biden nếu đối thoại bế tắc hoặc phát triển theo hướng bất lợi cho Moskva".
"Đây vẫn chưa phải khởi đầu của quá trình bình thường hóa quan hệ, mà chỉ là điểm dừng trên hành trình xuống dốc hơn nữa", Ignatov đánh giá.
Mọi động thái của Putin được cho là đều cân nhắc tới sự ảnh hưởng đối với ông tại Nga. Keir Giles, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Chương trình Nga và Á – Âu thuộc viện nghiên cứu Chatham House của Anh, chỉ ra rằng sự vững vàng trước Mỹ đóng góp lớn cho thành công trong nước của Putin.
"Phản ứng cứng rắn của Putin trước cả những câu hỏi đơn giản từ truyền thông Nga và đầy thách thức từ báo giới quốc tế sẽ giúp ông ấy ghi điểm tại quê nhà, chiếm được cảm tình từ những người Nga cũng tin rằng phương Tây là đối tác nguy hiểm, khó lường và khiêu khích trong mối quan hệ", Giles đánh giá.
Theo các bình luận viên của CNN, cuộc gặp thượng đỉnh hôm 16/6 giữa Biden với Putin còn khắc họa bối cảnh đã tồn tại suốt thập kỷ qua. Đó là dù phương Tây đối thoại với Nga cứng rắn như thế nào, hầu như cũng không thể kiềm chế được Putin và các đồng minh.
"Bất kể Putin tồi tệ đến mức nào trong mắt các đối thủ, đối với nhiều người ủng hộ ông, cuộc gặp với Biden giống như bằng chứng rằng những hành động của ông chủ Điện Kremlin hoàn toàn có cơ sở", các bình luận viên nhận định.
Những người ủng hộ Putin có thể nhìn vào việc Tổng thống Nga nhất trí hợp tác với Mỹ về các vấn đề quốc tế lớn, như an ninh và khôi phục các kênh ngoại giao thông thường, trong khi làm nổi bật được những khiếm khuyết trong xã hội Mỹ và bảo vệ bản thân.
Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh còn trao cho Putin cơ hội ngăn chặn hậu quả từ mối quan hệ đang ngày càng xấu đi giữa Moskva và Washington, bởi Mỹ giờ đây có thể chùn tay trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, hay công kích Putin về việc các nhà hoạt động đối lập Nga bị bắt. Tất cả đều có thể hữu ích khi Nga tổ chức bầu cử quốc hội vào cuối năm nay.
"Tóm lại, Putin đã đến Geneva và đạt được chính xác những gì ông ấy muốn. Ông rời Thụy Sĩ với chiến thằng ngoại giao to lớn, đơn giản chỉ bằng cách đến đó", các bình luận viên CNN kết luận.
Ý kiến ()