Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 14:45 (GMT +7)
Quản lý mã số vùng trồng tận cơ sở
Chủ nhật, 26/03/2023 | 17:00:00 [GMT +7] A A
Quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là điểm then chốt trong truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi đạt điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Nếu việc quản lý được thực hiện sâu sát hơn, thì vấn đề tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chí an toàn thực phẩm được đảm bảo. Đây cũng là yếu tố giúp tăng uy tín và chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
Đảm bảo tuân thủ 5 nguyên tắc
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu của nhà nhập khẩu Trung Quốc, thị trường đông dân nhất thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các tiêu chí chất lượng, cũng như về yêu cầu quản lý mã số vùng trồng. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương để đảm bảo việc quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói được thực hiện chặt chẽ, sâu sát đến từng đơn vị quản lý nhỏ nhất.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ và chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương (cơ quan chuyên môn địa phương) thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật tại các địa phương phải thu thập toàn bộ các thông tin về diện tích, sản lượng, sự đồng thuận các hộ nông dân tham gia vào vùng trồng, cũng như các điều kiện kỹ thuật khác phải được các cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, xem xét.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn địa phương cần thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các vùng trồng, cơ sở đóng gói này luôn luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Tần suất giám sát là tối thiểu một lần/năm, đối với vùng trồng thì thực hiện giám sát trước vụ thu hoạch và báo cáo kết quả hàng quý về Cục Bảo vệ thực vật để tập trung dữ kiện, số liệu tổng thể toàn ngành tại địa phương.
Đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc phát hiện vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm nhiều lần, các vùng trồng có sự gian lận, tranh chấp mã số, thì cơ quan quản lý, giám sát tại địa phương có thẩm quyền thực hiện thu hồi các mã số đã cấp cho các vùng trồng.
Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "Nhật ký đồng ruộng", phần mềm "Quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Không những vậy, địa phương cũng cần chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữ người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ cung cấp các thông tin về quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu biết và chủ động thực hiện các quy định này. Đồng thời, Cục sẽ tổng hợp danh sách các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đề nghị từ các địa phương, thực hiện đàm phán để được nước nhập khẩu phê duyệt, cấp mã số.
Địa phương thực hiện nghiêm các quy tắc
Thực hiện các quy định này, tỉnh Đồng Tháp, một trong các địa phương quản lý mã số vùng trồng nghiêm ngặt đã phổ biến đến các đơn vị quản lý cấp thấp, thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời, theo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Tháp về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ thiết lập và cấp mã số vùng trồng đạt 100% diện tích vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số, tỉnh đồng Tháp đã cấp mã số vùng trồng cho lúa là 162.267 ha, cây ăn trái 31.235 ha và rau màu 4.660 ha; cấp mã số cơ sở đóng gói nông sản cho 100% cơ sở có nhu cầu, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có đăng ký mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, các đơn vị này phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo nguyên tắc truy xuất một bước trước, một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cũng triển khai, nhân rộng các mô hình về tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, nồng độ và đúng phương pháp) tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời xây dựng các mô hình xanh tuần hoàn, tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp làm phân hữu cơ cung cấp lại cho cây trồng. đây là một trong những bước hướng dẫn người dân tuân thủ các nguyên tắc sản xuất khi tham gia đăng kí mã số vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, do nhà nhập khẩu yêu cầu.
Cùng với Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang hiện có diện tích sầu riêng lớn xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 5 mã số vùng trồng (MSVT) được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 210 ha và 149 hồ sơ đề nghị cấp mới MSVT với diện tích 5.985 ha đã gửi về Cục Bảo vệ thực vật chờ cấp mã số.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sầu riêng mở rộng thị trường cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu. Năm 2022, giá bán sầu riêng dao động từ 100.000 - 190.000 đồng/kg, cao hơn năm 2021 từ 20.000 - 90.000 đồng/kg; sau khi trừ các chi phí, nhiều nhà vườn thu được lợi nhuận từ 1 - 2 tỷ đồng/ha, nông dân rất phấn khởi.
Ngoài cây sầu riêng, tỉnh Tiền Giang còn nhiều mã số vùng trồng các loại cây trồng khác như mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối và chôm chôm và vú sữa. Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết, từ năm 2017 đến 2020, tỉnh Tiền Giang đã cấp mã số vùng trồng cho gần 20.000 ha cây ăn trái, với hơn 127 mã số vùng trồng các loại cây này để đi các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc và NewZealand. Từ năm 2018 – 2020, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 728 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Trong đó, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc với 721 mã số, còn lại là Mỹ, Úc và NewZealand. Riêng năm 2021, Tiền Giang đã cấp mới 1 mã số cơ sở đóng gói, đồng thời gửi 7 hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật (6 hồ sơ sầu riêng và 1 hồ sơ ớt) đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói và đang chờ quyết định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cũng theo ông Võ Văn Men, trong công tác kiểm tra, giám sát, đến nay, Cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Trồng Trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra giám sát. Đến nay, đã kiểm tra giám sát được 151/281 mã số vùng trồng và 524/728 mã số cơ sở đóng gói. Qua đó, Chi cục phát hiện 32 vùng trồng và 466 cơ sở đóng gói không đạt yêu cầu. Chi cục cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật thu hồi 2 mã số vùng trồng, huỷ 30 mã số vùng trồng; thu hồi 15 và huỷ 451 mã số cơ sở đóng gói, 15 cơ sở đóng gói cần khắc phục để duy trì mã số trong thời gian tới. Có như vậy, ngành nông nghiệp Tiền Giang mới thực hiện đúng các tiêu chí mà nhà nhập khẩu đưa ra, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()