Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:00 (GMT +7)
Quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo luật định
Thứ 2, 06/09/2021 | 20:31:53 [GMT +7] A A
Quỹ BHXH được hình thành để đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách này, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Quỹ bao gồm các quỹ thành phần là: Quỹ hưu trí và tử tuất; Quỹ ốm đau - thai sản; Quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là các quỹ BHXH).
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở mỗi quốc gia. Hơn thế nữa, ở Việt Nam, BHXH còn là công cụ chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm định hướng xã hội chủ nghĩa đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính sách BHXH bao gồm các chế độ: Hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là chế độ BHXH).
Sử dụng đúng mục đích theo Luật định
Khoản 1 Điều 3 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.
Còn bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ BHTN.
Pháp luật hiện hành về BHXH cũng quy định việc quản lý và sử dụng các quỹ BHXH phải đảm bảo các nguyên tắc về BHXH, BHTN, theo đó việc hưởng các chế độ BHXH phải căn cứ trên cơ sở đóng góp vào các quỹ BHXH (bao gồm mức đóng và thời gian đóng) và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những ai thực hiện đóng góp vào quỹ theo luật định thì mới thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ từ các quỹ BHXH.
Các quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần. Việc sử dụng quỹ được quy định rất rõ tại Luật BHXH (Điều 84) và Luật Việc làm (Khoản 3 Điều 57).
Cụ thể, quỹ BHXH, BHTN được sử dụng để trả các chế độ BHXH, BHTN cho người lao động; Đóng BHYT cho các đối tượng hưởng các chế độ BHXH theo quy định; Chi phí quản lý BHXH, BHTN; Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động được hưởng chế độ BHXH theo quy định; Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định.
Pháp luật và việc thượng tôn pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý và sử dụng các quỹ BHXH đều phải tuân theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng các quỹ BHXH để chi cho các mục đích ngoài quy định của luật trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải được sự phê chuẩn của Quốc hội (là cơ quan lập pháp cao nhất và duy nhất có quyền ban hành luật); trong tình huống cấp bách, phi truyền thống như tình hình dịch COVID-19 hiện nay phải được sự phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội còn thực hiện quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động điều hành của Chính phủ, trong đó có hoạt động quản lý, sử dụng quỹ BHXH, đảm bảo quyền lợi, niềm tin cho người tham gia BHXH, BHTN nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung.
Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH của BHXH Việt Nam được đặt dưới sự giám sát, chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội. Bên cạnh đó, quỹ BHXH còn được kiểm toán định kỳ 3 năm một lần. Và hàng năm Quốc hội thực hiện việc giám sát tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN và quản lý, sử dụng quỹđể đảm bảo việc quản lý và sử dụng các quỹ BHXH đúng luật định.
Thực tế cho thấy, quỹ BHXH, BHTN trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay đã kịp thời, hiệu quả trong đảm bảo thu nhập, hỗ trợ thu nhập cho một số lượng lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm. Ngoài ra, các quỹ BHXH còn hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động tiết giảm kinh phí do giảm mức đóng vào quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề đề duy trì việc làm cho người lao động.
Quỹ BHTN và quỹ TNLĐ-BNN không hoàn toàn mang bản chất là quỹ tài chính ngắn hạn mà kết dư các quỹ này còn là nguồn lực về tài chính quan trọng của quốc gia để phòng ngừa, hỗ trợ chủ sử dụng lao động và người lao động trong trường hợp cấp bách, phi truyền thống như tình hình dịch COVID-19 hiện nay khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép.
Thực tế cho thấy quan niệm cho rằng các quỹ ốm đau - thai sản, TNLĐ-BNN, BHTN là quỹ ngắn hạn chỉ mang tính chất tương đối. Bởi trong các chế độ ốm đau cũng có chế độ ốm đau đối với trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày với thời gian hưởng chế độ của người lao động có thể kéo dài từ năm này qua năm khác. Hay quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN có nội dung chi các chế độ TNLĐ-BNN hàng tháng, có trường hợp thời gian hưởng chế độ hàng tháng còn dài hơn cả thời gian hưởng lương hưu (tỷ trọng chi chế độTNLĐ-BNN hàng tháng chiếm trên 70% tổng số chi quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN hàng năm). Đối với quỹ BHTN, khi thời gian đóng BHTNcủa người lao động tăng lên thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động cũng tăng lên vì thế số người hưởng trợ cấp thất nghiệp có thời gian hưởng tối đa cũng ngày một tăng lên.
Đảm bảo cân đối thu - chi các quỹ BHXH
Một trong các mục tiêu quan trọng của quản lý và sử dụng các quỹ BHXH đó là phải đảm bảo cân đối thu-chi các quỹ BHXH để đảm bảo nguồn tài chính chi trả các chế độ BHXH, BHTN cho người hưởng và bù đắp một phần lạm phát cho người hưởng các chế độ BHXH thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng theo quy định.
Để đảm bảo cân đối thu - chi các quỹ BHXH, ngoài việc chi trả các chế độ cho người hưởng, phần kết dư của quỹ BHXH còn được sử dụng đầu tư để bảo toàn, tăng trưởng quỹ, đảm bảo nguồn kinh phíđể chi trả các chế độ như hưu trí, tử tuất, TNLĐ, BNN cho người lao động trong dài hạn. Nguyên tắc và hình thức đầu tư các quỹ BHXH được pháp luật về BHXH quy định rất cụ thể và hoạt động đầu tư được đặt dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, Chính phủ và Quốc hội đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.
Các quỹ BHXH hiện nay đều đang đảm bảo cân đối thu-chi. Song với vai trò của quỹ BHXH là đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia theo quy định của Luật BHXH và đảm bảo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ thì mục tiêu bảo đảm cân đối quỹ trong dài hạn cho các chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ-BNN cần được cân nhắc hết sức thận trọng, kỹ càngđặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với sự thay đổi lớn về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (già hóa dân số).
Mặc dù quỹ BHTN còn kết dư khá lớn và đảm bảo cân đối trong dài hạn. Song trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng và còn diễn biến khó lườngtác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động thì việc sử dụng quỹ BHTN để hỗ trợ cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động tham gia BHTN khi được Quốc hội cho phép cần được tính toán rất kỹ lưỡng để đảm bảo cân đối quỹ trong dài hạn.
"Điểm tựa" của hàng triệu lao động bị mất việc làm
Thời gian qua, chính sách BHXH và chính sách BHTN đã phát huy hiệu quả vai trò trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp NLĐ ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biễn phức tạp, hàng triệu lao động bị mất việc, ngừng việc, chính sách BHTN đã thực sự trở thành “chỗ dựa” cho NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch. Ngoài ra, chính sách BHTN cũng giúp NLĐ có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân.
Trong năm 2020, tổng số chi quỹ BHTN thực hiện là 17.149 tỷ đồng, tăng 35,73% (tương đương 4.514 tỷ đồng) so với năm 2019; trong đó: người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.065.969 người (tăng 21,1% so với năm 2019) với số chi là 16.312 tỷ đồng; chi hỗ trợ học nghề là 72 tỷ đồng; chi đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 765 tỷ đồng. Theo đó, số người nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp năm 2020 tăng cao so với các năm trước chủ yếu là do dịch COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, bị giải thể, cắt giảm lao động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và chi trả BHTN cho 511.915 người hưởng mới, trong đó: 500.883 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 11.031 người được hỗ trợ học nghề.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngành BHXH Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để người lao động và người sử dụng lao động trong cả nước được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Theo đó, tính đến hết ngày 1/9/2021, kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 của ngành BHXH Việt Nam thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh giảm mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng; Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 403 đơn vị với 68.568 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 473,3 tỷ đồng tại 44 tỉnh, thành phố.
BHXH các tỉnh xác nhận danh sách cho 651.429 lao động của 26.595 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 61 tỉnh, thành phố, cụ thể: 493.440 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 24.400 đơn vị; 58.017 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 1.285 đơn vị; 1.001 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 8 đơn vị; 44.618 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 của 571 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc. 35.426 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 180 đơn vị; 18.927 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 151 đơn vị.
Như vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chính sách BHXH, BHTN càng khẳng định vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp, hỗ trợ người tham gia vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Để phát huy hơn nữa hiệu quả và tính ưu việt của chính sách BHXH, BHTN, trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam tiếp tục tận dụng nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến hiện có, cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo kịp thời, đầy đủquyền lợi cho người tham gia.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()