Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:09 (GMT +7)
Quan tâm hoàn thiện cơ sở vật chất trường học
Thứ 2, 10/10/2022 | 13:41:12 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm dành nhiều nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xóa phòng học tạm, cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh không đạt chuẩn tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng sử dụng phòng học tạm, nhờ, mượn ở một số nơi, chưa đáp ứng điều kiện giảng dạy, học tập, sinh hoạt của giáo viên, học sinh.
Trong 2 năm qua (2021, 2022), tỉnh đã đầu tư trên 309 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh không đạt chuẩn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, 8/8 địa phương chưa tự chủ được ngân sách, được tỉnh hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 87 nhà vệ sinh đảm bảo đạt chuẩn, xóa phòng học tạm ở 90 trường học, đã giải ngân được 100% kinh phí được giao.
Tuy nhiên, do nguồn lực phân bổ năm 2021 còn hạn chế, trong khi nhu cầu cải tạo, nâng cấp phòng học, nhà vệ sinh của các trường học là rất lớn (toàn tỉnh có gần 650 cơ sở giáo dục), do đó chỉ giải quyết được khoảng 40% nhu cầu của các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.
Trong năm 2022, qua rà soát toàn tỉnh còn 799 phòng học bán kiên cố từ cấp mầm non đến THPT, tình trạng sử dụng phòng học tạm, nhờ, mượn vẫn diễn ra ở một số nơi; còn 57 nhà vệ sinh cần sửa chữa, trong đó tại 8 địa phương chưa tự chủ được ngân sách có 32 công trình; nhiều nhà vệ sinh được xây dựng đã lâu, không đảm bảo theo tiêu chuẩn mới, chưa đáp ứng điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh.
Trước thực tế đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnhh, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án "Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 23/5/2022.
Tại Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh, đã phân bổ cho các đơn vị chưa tự chủ được ngân sách 49,59 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, bảo trì thường xuyên phòng học, nhà công vụ giáo viên, nhà vệ sinh đạt chuẩn; bố trí kinh phí để xây dựng 3 trường học chất lượng cao tại huyện Ba Chẽ, Bình Liêu và TP Cẩm Phả. Các địa phương đã tự chủ được ngân sách chủ động bố trí nguồn lực để thực hiện mục tiêu trên theo chỉ đạo của tỉnh. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, tham mưu cho tỉnh quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Đầu tư cơ sở vật chất không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, mở rộng mạng lưới trường, lớp học, mà còn tạo điều kiện cho học sinh được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục ngày một tốt hơn.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()