Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 11:03 (GMT +7)
Quan tâm phục dựng di tích Thương cảng Vân Đồn
Thứ 2, 28/11/2022 | 10:09:10 [GMT +7] A A
Thương cảng cổ Vân Đồn là hệ thống cảng bến xuất, nhập hàng hóa với nước ngoài đầu tiên của Việt Nam, được hình thành từ cách đây hơn 9 thế kỷ. Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa như vậy, cử tri và nhân dân huyện Vân Đồn rất quan tâm tới công tác tu bổ, phục dựng những di tích thuộc Thương cảng.
Thương cảng Vân Đồn được hình thành từ thời Lý đến thời Hậu Lê (thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII). Trung tâm Thương cảng được cho là nằm ở bến Cái Làng thuộc xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn ngày nay. Thương cảng không chỉ là nơi giao thương hàng hóa với các quốc gia láng giềng, mà còn đóng vai trò quan trọng trên con đường vận tải biển quốc tế giữa Bắc Á với Nam Á, Ấn Độ và Địa Trung Hải... cho đến khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Rất nhiều hiện vật quý như tiền xu, tàu thuyền, đồ gốm, ngư cụ... hiện được lưu giữ, trưng bày tại một khu vực riêng của Bảo tàng Quảng Ninh, đã giúp tái hiện rất chân thực về hoạt động sầm uất của Thương cảng Vân Đồn xưa. Thế nhưng các hoạt động bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di tích mới được quan tâm triển khai mạnh thời gian gần đây. Đặc biệt, năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học để gửi Bộ VH-TT&DL, đề nghị Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn.
Trước đó, chỉ một số điểm bến thuyền, như Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi), Cái Làng (xã Quan Lạn) thuộc Thương cảng cổ được cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Nhiều hiện vật, di tích khác chưa được quan tâm bảo tồn, gìn giữ hiệu quả. Theo phản ánh của cử tri và nhân dân địa phương, hệ thống các đền chùa, miếu, bảo tháp trên xã đảo Thắng Lợi đang rất cần được quan tâm tu bổ, phục dựng để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Đến nay, các điểm di tích nằm trên đảo Thắng Lợi nói riêng (bến Cống Đông, bến Cống Tây), Thương cảng nói chung, đều đã có lộ trình tu bổ, phục dựng rõ ràng.
Công tác xây dựng hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đang được Sở VH&TT triển khai, sẽ hoàn thành và báo cáo, trình Chính phủ trong tháng 12/2022. Sau khi được xếp hạng, công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn: Từ năm 2023-2025, tỉnh sẽ lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị cho các di tích đã được xếp hạng; từ năm 2026-2030, tỉnh sẽ triển khai dự án thành phần theo quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử đã được phê duyệt.
Đối với một số di tích khác trên đảo Thắng Lợi như: Chùa Lấm, chùa Trong (Thương Cảng Tự), chùa Vụng, chùa Chuồng Bò (Thắng Lợi Tự), chùa Cát..., qua kiểm kê của chính quyền địa phương đều không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư công của ngân sách tỉnh, huyện, mà phải đầu tư bằng nguồn vốn huy động xã hội hoá hoặc huy động nguồn hợp pháp khác (ngoài ngân sách). Thẩm quyền phê duyệt, thẩm định do UBND huyện Vân Đồn thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng sau khi có ý kiến tham gia của Sở VH&TT.
Vân Đồn đang tận dụng tối đa những lợi thế về tự nhiên và tài nguyên văn hóa để trở thành vùng động lực phát triển mới của tỉnh. Với việc quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục hồi Thương cảng Vân Đồn sẽ phát huy giá trị đích thực, làm sống lại hào khí, đưa mảnh đất này trở về đúng vị thế của một thương cảng quốc tế trong lịch sử.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()