Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:21 (GMT +7)
Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng
Thứ 3, 29/11/2022 | 13:57:04 [GMT +7] A A
Ngày 29/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.
Đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Ninh dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy. Dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có đồng chí: Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương cấp huyện, cấp xã trong tỉnh.
Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phát triển vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia.
Nghị quyết cũng xác định mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 35%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Phấn đấu đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới…
Nghị quyết đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như trong phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng để sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Trung ương, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã có bài phát biểu tham luận quan trọng. Trong đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết và Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, của Đảng đoàn Quốc hội trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để tổ chức thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao, các tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ góc nhìn của Quảng Ninh được đặt trong toàn vùng, Quảng Ninh đề xuất 5 nhóm vấn đề. Đó là để khai thác, phát huy đầy đủ giá trị hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh Quảng Ninh cũng như toàn vùng đã được hoàn thành, hiện đại hóa, đưa vào sử dụng, nhất là đường cao tốc từ cầu Bạch Đằng đến Móng Cái, cần đẩy nhanh, đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên toàn vùng, liên vùng, bảo đảm nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch; thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức, khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gắn với các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế, các đô thị lớn; các khu kinh tế trọng điểm trong vùng. Sớm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, tạo nguồn lực, động lực phát triển mới.
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Vùng đồng bằng sông Hồng nơi có Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi có nhiều trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế như Hà Nội, Quảng Ninh, cần đi tiên phong so với các vùng khác trong chuyển nhanh sang tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Cần định hình những mô hình tăng trưởng xanh ưu việt có tính dẫn dắt các vùng khác.
Xây dựng hệ thống quản trị vùng và quản trị địa phương hiện đại, năng động, hiệu quả. Đặc biệt là tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác xây dựng hệ sinh thái cung ứng nhân lực chất lượng cao của Vùng đồng bằng sông Hồng với chính sách khuyến khích và hỗ trợ chuyển dịch lao động việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong vùng, cũng như của toàn vùng.
Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến vùng; tổ chức không gian phát triển vùng phù hợp với tình hình mới, bảo đảm cân bằng, bền vững, kết nối hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, địa phương trong vùng; tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới của các địa phương và toàn vùng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Quảng Ninh là địa bàn duy nhất trong vùng có cả biên giới trên đất liền, trên biển... nên quy hoạch là cơ sở cho triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với Trung Quốc, củng cố tuyến phòng thủ cả trên đất liền và trên biển, chủ động góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ một cách thường xuyên, trực tiếp ở một địa bàn tiền tiêu của Tổ quốc. Định hướng quy hoạch, phát triển đô thị phải bám sát chức năng đô thị biển để tính toán đầy đủ hơn các khả năng phát triển kinh tế - xã hội và phòng thủ từ biển. Chú trọng năng lực cân bằng và đối trọng xuyên biên giới khi tổ chức phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế mở... khu vực biên giới để nâng cao hơn hiệu quả, hạn chế thua thiệt, bị lép vế, bị động khi hội nhập... gắn với các cơ chế chính sách vượt trội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết 30-NQ/TW. Đồng thời, khẳng định Nghị quyết đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Để tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết này, Tổng Bí thư yêu cầu phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn, dẫn đầu cả nước.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, vùng cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển. Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị...
Ngay sau hội nghị này, các cấp ủy và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng...
Với tinh thần cả nước vì đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()