Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 08:29 (GMT +7)
Quảng Ninh an toàn, thân thiện, mến khách
Chủ nhật, 01/01/2023 | 06:29:05 [GMT +7] A A
Quảng Ninh sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh phong phú, đặc sắc và nổi trội, là thế mạnh để ngành du lịch, dịch vụ phát triển, đóng góp tích cực vào thành thành tựu chung của tỉnh. Gần 3 năm phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng với sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền tỉnh; sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Quảng Ninh đã từng bước phục hồi, đạt nhiều kết quả ấn tượng, tạo đà tăng trưởng cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thời hoàng kim trở lại
Hè 2022 đánh dấu sự phát triển trở lại của du lịch Quảng Ninh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sự "bùng nổ" của ngành du lịch được ghi dấu bằng con số kỷ lục về lượng khách; quy mô cũng như các sự kiện du lịch tầm cỡ quốc tế tổ chức tại Quảng Ninh cùng nhiều sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hấp dẫn. Đặc biệt, qua các kỳ nghỉ lễ của đất nước, Quảng Ninh đón lượng khách du lịch lớn. Cụ thể, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (từ ngày 9-11/4), Quảng Ninh đón khoảng 150.000 du khách; dịp lễ 30/4 và 1/5, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng khoảng 340.000 lượt; 4 ngày nghỉ lễ 2/9, Quảng Ninh đón khoảng 250.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Trong đó, Vịnh Hạ Long đón gần 58.000 lượt khách; Bảo tàng Quảng Ninh đón khoảng 15.000 lượt khách; Khu di tích và danh thắng Yên Tử đón khoảng 4.500 lượt khách; TP Móng Cái đón lượng khách kỷ lục, khoảng 150.000 lượt. Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh liên tục tăng, nhất là vào dịp cuối tuần và các ngày lễ. Hầu hết các khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng cao cấp lớn, như: FLC, Vinpearl, Mường Thanh, Yoko Onsen Quang Hanh, M-gallery Yên Tử hoạt động với công suất phòng từ 65-80%. Tỷ lệ lấp đầy các tàu tham quan Vịnh Hạ Long trong ngày lễ và cuối tuần đạt khoảng 80-90%.
Với sự quyết tâm của tỉnh và các doanh nghiệp du lịch, lượng khách đến Quảng Ninh năm 2022 tăng đột biến so với năm 2021, đạt trên 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần so với năm 2021, tăng 24,7% so với kế hoạch đầu năm. Tổng doanh thu du lịch đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm 2021, tăng 32,5% so với kế hoạch đầu năm. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ, du lịch tăng 17,34%, là động lực chính cho tăng trưởng GRDP chung của toàn tỉnh năm 2022. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng cao nhất, 48,1%, chiếm tỷ trọng 2,9% trong GRDP, đóng góp 1,08% trong tốc độ tăng GRDP.
Số lượng tàu du lịch, khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi, giải trí hoạt động trở lại ngày càng nhiều. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Quảng Ninh phát triển cả số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.654 cơ sở lưu trú du lịch với 33.593 phòng được xếp loại hạng; tăng 12 cơ sở, 863 phòng so với năm 2021; trong đó 108 khách sạn hạng 3-5 sao và quy mô tương đương.
Tại Đại hội lần thứ V của Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh (ngày 26/11/2022), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đánh giá: Du lịch, dịch vụ ngày càng chứng minh là động lực tăng trưởng chính trên hành trình chuyển đổi mô hình từ nâu sang xanh, giúp tỉnh Quảng Ninh lập kỳ tích 7 năm liên tiếp tốc độ tăng trưởng GRDP mức 2 con số. Quảng Ninh tiếp tục là điểm sáng khôi phục và phát triển du lịch của cả nước với những kết quả tăng trưởng kỳ tích cả về lượng khách và doanh thu.
Cùng với sự khởi sắc của du lịch nội địa, lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh nhanh chóng tăng trở lại, nhất là khi tỉnh tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 vào tháng 10/2022. Ngay sau đó, Quảng Ninh đón nhiều đoàn khách từ các nước là thành viên của EATOF. Tháng 11/2022, Quảng Ninh đón đoàn 650 khách đến từ tỉnh Sarawak (Malaysia) và đoàn 150 khách du lịch đến từ Jeju của Hãng lữ hành Sun Travel (Hàn Quốc).
Đặc biệt, mối quan hệ với thị trường khách truyền thống Hàn Quốc của Quảng Ninh ngày càng thắt chặt hơn sau EATOF 17. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Trong khuôn khổ Diễn đàn, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Gangwon đã làm việc song phương, khảo sát đường bay tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến và đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Lượng khách từ Hàn Quốc đến Quảng Ninh có nhiều tín hiệu khả quan. Sở Du lịch tiếp tục làm việc với các đơn vị lữ hành để tăng cường đưa khách Hàn Quốc đến Quảng Ninh, từ đó mở rộng và phát triển cả thị trường Đông Bắc Á.
Quảng Ninh cũng đã đón đoàn khách tàu biển quốc tế đầu tiên vào tháng 10/2022 sau gần 3 năm gián đoạn do dịch Covid-19. Tàu Le Lapérouse (Pháp) đã đưa hơn 100 du khách quốc tế, chủ yếu từ thị trường Âu - Mỹ cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long tham quan Hạ Long - Quảng Ninh. Trước đó, tháng 8/2022, Quảng Ninh đón đoàn Ấn Độ gồm các hãng lữ hành, hàng không, truyền thông hàng đầu Ấn Độ đến trải nghiệm, khảo sát sản phẩm nghỉ dưỡng trên Vịnh Hạ Long... Kết quả này khẳng định những nỗ lực của Quảng Ninh trong kích cầu, hợp tác du lịch sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kỳ vọng mục tiêu mới
Để có được sự tăng trưởng đầy ấn tượng, ngành du lịch Quảng Ninh đã chuẩn bị tốt các điều kiện và phương án chào đón du khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách về kích cầu phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong đó, tỉnh giảm 50% phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử đến hết tháng 6/2022. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp với địa phương để cải thiện chất lượng dịch vụ, tung ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đem đến những tín hiệu tích cực cho thị trường. Giám đốc Công ty Du lịch Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết: Thay vì chỉ giảm giá dịch vụ đơn thuần, du khách quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm du lịch có chiều sâu về chất lượng, đa trải nghiệm, về với thiên nhiên... Các điểm đến như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Vịnh Bái Tử Long, sản phẩm du thuyền, tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Hạ Long Complex, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh... đều được làm mới và dành nhiều ưu đãi cho du khách trong hè 2022. Qua đó, tạo động lực thu hút du khách đến với Quảng Ninh.
Sự sôi động của du lịch Quảng Ninh còn được tạo nên bởi không khí tưng bừng, náo nhiệt của hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao được đầu tư hoành tráng, quy mô. Trong năm 2022, tỉnh tổ chức khoảng 70 sự kiện văn hóa, thể thao tầm quốc gia, quốc tế, như: Lễ hội Carnaval mùa đông Hạ Long 2022, Lễ hội áo dài, Liên hoan ẩm thực, Liên hoan xiếc quốc tế; SEA Games 31; EATOF 17; Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX... Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, như: Chương trình âm nhạc đường phố do các nghệ sĩ trẻ thể hiện vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; lễ hội âm nhạc điện tử EDM; đại nhạc hội, giải thể thao... đã thu hút sự tham dự của hàng vạn du khách, khán giả...
Tiếp đà phục hồi du lịch từ cao điểm du lịch hè, các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành chủ động xây dựng nhiều tour, sản phẩm du lịch mới thu hút du khách những tháng cuối năm. Trong đó, tập trung vào những sản phẩm trải nghiệm mang đặc trưng vùng miền, như: Du lịch biển - Hạ Long mờ ảo trong sương; mùa vàng Bình Liêu; mùa thu Yên Tử; nghỉ dưỡng khoáng nóng Onsen Quang Hanh... Các doanh nghiệp du lịch cũng hướng mạnh đến sản phẩm du lịch hạng sang, đẳng cấp, du lịch golf kết nối Hạ Long - Móng Cái cũng như thúc đẩy du lịch tại các địa phương miền Đông của tỉnh nhờ lợi thế đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào khai thác từ tháng 9/2022.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch; tăng cường công tác chỉnh trang đô thị, bảo đảm môi trường du lịch an toàn; thúc đẩy kết nối đường bay nội địa và quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; tổ chức phương án phát triển hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp, thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Ninh.
Trong năm 2023, ngành du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu đón trên 12,5 triệu lượt khách, doanh thu 30.000 tỷ đồng. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, ngành du lịch tỉnh đang tập trung mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn khách để tăng cường nguồn khách quốc tế đến. Đồng thời, tỉnh tận dụng triệt để tiềm năng du lịch bốn mùa; phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, đón đầu mùa cao điểm khách quốc tế. Sở cũng khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng, làm mới và phát triển các sản phẩm du lịch tạo sức hấp dẫn, mới lạ các điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ; nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số thị trường nước ngoài có nhiều tiềm năng, triển vọng...
Sở Du lịch có kế hoạch làm việc với các hãng hàng không và lữ hành để mở đường bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hình thức thuê nguyên chuyến, tổ chức chương trình khảo sát tại Quảng Ninh cho hãng lữ hành, báo chí quốc tế; đẩy mạnh hoạt động e-marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị làm du lịch, dịch vụ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới; chú trọng phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm; cải thiện môi trường du lịch văn minh, an toàn, hấp dẫn. Đồng thời, chung tay cùng Nhà nước trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Ninh trong và ngoài nước.
Nguyễn Huế - Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()