Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 23:19 (GMT +7)
Hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng sạch
Thứ 4, 27/04/2022 | 08:27:53 [GMT +7] A A
Theo phương án rà soát Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương, năm 2045, tỷ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện sẽ giảm về 9,6%, còn năng lượng tái tạo tăng dần và đạt hơn 50%. Bám sát chủ trương này, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó chú trọng các dự án sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Tỉnh đã có nhiều giải pháp thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời tận dụng các lợi thế, nguồn lực, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương theo hướng bền vững.
Từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn
Tại Quy hoạch điện VII trước đây, Quảng Ninh được quy hoạch phát triển 11 nhà máy điện với tổng công suất 10.800MW, gồm 9.380MW điện than và 1.500MW điện khí. Tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 7 nhà máy điện than đang vận hành với tổng công suất là 5.640MW. Hằng năm, các nhà máy này phát lên lưới điện quốc gia khoảng 35-38 tỷ kWh, đóng góp vào NSNN trên 1.000 tỷ đồng, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm sản xuất nhiệt điện lớn cả nước.
Nguồn năng lượng đầu vào cho sản xuất đảm bảo đã giúp tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn có năng lực, kinh nghiệm, thương hiệu trong khu vực và trên thế giới vào nghiên cứu, đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch như: Amata, Texhong, Vingroup, Sun Group, Foxconn, Jinko…
Tuy nhiên, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than cũng khiến cho Quảng Ninh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, nhất là với những nhà máy sử dụng công nghệ cũ. Chưa kể trong 7 nhà máy thì chỉ có 2 nhà máy nằm xa khu dân cư là Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê (TX Đông Triều) và Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (TP Cẩm Phả). Còn lại hầu hết các nhà máy nhiệt điện than khác đều nằm ven biển, có nhà máy gần ven bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long...
Trong thời gian qua, mặc dù các nhà máy nhiệt điện đã tập trung đầu tư, dành nhiều kinh phí để cải thiện công nghệ, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, song một số nhà máy nhiệt điện vẫn để phát sinh sự cố môi trường trong quá trình hiệu chỉnh thiết bị, vận hành thử nghiệm đốt than trộn, tràn dầu…
Theo các chuyên gia, quá trình vận hành cho thấy các nhà máy nhiệt điện than đều đang đối mặt với 3 vấn đề chính về môi trường là khí thải - bụi, chất thải rắn và nước làm mát. Bởi dù các nhà máy này đã có thiết bị lọc bụi tĩnh điện, song vẫn phát sinh lượng khói bụi lớn, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, các bãi xỉ thải cũng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt.
Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện số lượng tro bay, xỉ đáy lò thải ra hằng năm của các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn khoảng 7,6 triệu tấn và được chứa tại các bãi xỉ thải. Mặc dù lượng tro, xỉ thải này đều được chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp mặt bằng theo tiêu chuẩn quốc gia, song đến thời điểm này, lượng tro, xỉ thải được tiêu thụ vẫn chưa nhiều. Trong khi lượng tro, xỉ tập của 7 nhà máy nhiệt điện vẫn còn khoảng 25 triệu tấn, khiến cho bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện đang quá tải, hằng ngày phải gồng mình gánh hàng triệu tấn tro xỉ.
Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Quảng Ninh còn có 3 nhà máy chưa đầu tư gồm Nhiệt điện đồng phát Hải Hà (2.100MW), Nhiệt điện Quảng Ninh III (1.200MW) và Nhiệt điện Cẩm Phả III (400MW). Kiên định với mục tiêu tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", tỉnh đã có văn bản tham gia ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII, đề nghị Bộ Công Thương xem xét không quy hoạch 3 nhà máy nhiệt điện, thay vào đó là quy hoạch phát triển các nhà máy điện khí để tận dụng hệ thống lưới điện truyền tải hiện có. Việc giảm điện than sẽ đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Quảng Ninh.
Tạo "bệ phóng" phát triển
Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cũng đánh giá Quảng Ninh có sự phong phú và đa dạng về loại hình, đặc biệt là năng lượng tái tạo khi tỉnh đã được Viện Năng lượng khảo sát và đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn trên đất liền và ngoài khơi, với khoảng 13.000MW dọc bờ biển, khoảng 2.300MW trên bờ, tập trung nhiều nhất ở đảo Cô Tô.
Trong đó, đối với nguồn năng lượng tái tạo, Quảng Ninh có thể phát triển điện mặt trời có khả năng đạt công suất trên 2.300MW (điện mặt trời áp mái là 431MW, điện mặt trời mặt đất là gần 52MW, điện mặt trời trên mặt nước là 1.830MW). Điện gió có tổng công suất khoảng 16.000MW (gió trên bờ là gần 2.400MW, gió ngoài khơi là 13.000MW). Còn lại là thủy điện nhỏ, điện sinh khối và điện rác, nhưng công suất không đáng kể.
Đối với nguồn điện khí LNG, dự kiến từ nay đến năm 2045 sẽ có các nhà máy: Quảng Ninh 1, 2 tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh 3 tại TX Quảng Yên và Quảng Ninh 4 tại huyện Hải Hà, với tổng công suất dự kiến khoảng 10.500MW.
Hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng sạch, tháng 10/2021, tỉnh đã tổ chức lễ khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với công suất 1.500MW (giai đoạn 1) tại TP Cẩm Phả. Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được thiết kế sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp có hiệu suất cao trên 62%, được chế tạo bởi các nhà sản xuất tua bin khí hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, Nhà máy sẽ sử dụng khí nhiên liệu hóa lỏng nhập khẩu với lượng tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm, đây là loại nhiên liệu sạch, góp phần đảm bảo giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Theo cam kết tiến độ của nhà đầu tư, dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành giai đoạn 2026-2027, qua đó đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm. Như vậy, khi dự án đi vào vận hành, sẽ thu hút nhiều lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Mặt khác, cơ sở hạ tầng của dự án được xây dựng mới đồng bộ, hiện đại, cũng sẽ tạo nên điểm nhấn và là một trong những cơ sở hình thành chuỗi giá trị trong các ngành du lịch, dịch vụ, giao thông, công nghiệp phụ trợ… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH của TP Cẩm Phả.
Việc triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1 đã mở đường, tạo bước phát triển đột phá về hạ tầng cảng truyền dẫn khí từ ngoài khơi vào bờ tại cảng Hòn Nét - Con Ong, khu vực cho phép đón tàu có trọng tải 30.000-50.000 tấn. Do vậy, để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, ngày 2/3/2021, UBND tỉnh đã có công văn số 1169/UBND-XD3 báo cáo, đề xuất Bộ Công Thương bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (giai đoạn 2) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án sẽ có công suất 1.500MW được đầu tư xây dựng cạnh vị trí Nhà máy điện khí Quảng Ninh 1. Theo tính toán, việc phát triển đồng bộ 2 nhà máy sẽ giảm đáng kể chi phí, thời gian đầu tư, phát huy hiệu quả dự án. Đặc biệt là sẽ đáp ứng nhanh một phần nhu cầu sử dụng điện của khu vực miền Bắc, nơi đang có tốc độ tăng trưởng phụ tải lớn nhất của cả nước.
Ngoài việc triển khai dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, 2 năm gần đây đã có nhiều nhà đầu tư đến Quảng Ninh khảo sát, đề nghị được nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, cũng như trên bờ.
Cụ thể, tháng 11/2021, Liên danh Tập đoàn Cường Thịnh Thi và Tập đoàn Xuân Thiện có văn bản đề xuất được khảo sát, nghiên cứu lập dự án nhà máy điện gió ngoài khơi của tỉnh với công suất 3.000MW; Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng đề xuất thực hiện quy hoạch điện gió ngoài khơi tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực năng lượng cũng đã quan tâm, đề xuất nghiên cứu phát triển nguồn điện gió trên địa bàn tỉnh như: Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành và Công ty CP Tư vấn xây lắp đầu tư An Phú Quảng Ninh; Công ty CP Năng lượng An Xuân; Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng…
Điều đáng nói là những dự án phát triển năng lượng sạch đều có nguồn vốn rất lớn, trung bình từ 2 tỷ USD trở lên và đều là của các tập đoàn lớn, uy tín, có tiềm lực.
Có thể thấy rằng, việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn mong muốn đầu tư các dự án năng lượng sạch tại Quảng Ninh là những tín hiệu rất tốt trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cũng góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng điện. Bởi, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đang phát triển nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp ngày càng tăng trưởng mạnh. Điều này dẫn đến sản lượng tiêu thụ điện tăng nhanh. Theo tính toán của Sở Công Thương, mức độ tăng trưởng công suất cực đại của tỉnh hằng năm từ 5-7%. Như vậy công suất cực đại năm 2021 là 883MW, năm 2022 là 974MW, năm 2023 là 1.091MW, năm 2024 là 1.261MW, năm 2025 là 1.331MW.
Trong bối cảnh tài nguyên than cho nhiệt điện ngày càng khan hiếm, những dự án sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn, đóng góp số thu ngân sách và nguồn cung việc làm ổn định. Do vậy, việc phát triển điện khí LNG và khai thác tiềm năng điện gió rất to lớn, vô tận trên đất liền hay ngoài khơi của tỉnh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh. Đây cũng sẽ là bước ngoặt quan trọng để Quảng Ninh thực hiện tái cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng giảm phát thải carbon, hướng đến nền kinh tế xanh và chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp lên hệ thống điện quốc gia khi các nguồn nhiên liệu than có xu hướng giảm dần.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()