Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 12:40 (GMT +7)
“Quảng Ninh có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao”
Chủ nhật, 02/06/2024 | 07:51:21 [GMT +7] A A
Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) trong cuộc khảo sát, nghiên cứu gần đây nhất vào năm 2023 thì số lượng loài được ghi nhận ở Quảng Ninh hiện nay có thể lên tới trên 6.200 loài sinh vật. Quảng Ninh với địa hình đa dạng, chủ yếu là đồi núi, nhiều sông ngòi và hơn hai nghìn đảo đá vôi trên biển cũng khiến địa bàn có sự biệt lập nhất định trong lịch sử và hiện tại, góp phần tạo ra những loài đặc hữu, khi chúng đã biến đổi để thích nghi với điều kiện tự nhiên ở đây.
Tham gia trong các chuyến khảo sát kể trên, TS. Phạm Thế Cường là chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực bò sát, ếch nhái, đã có những chia sẻ với phóng viên về đặc thù của Quảng Ninh gắn với chuyên môn mà ông gắn bó.
- Thưa ông, Quảng Ninh được đánh giá là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao, vì có sự đa dạng về sinh cảnh. Vậy với các loài bò sát, ếch nhái thì qua nghiên cứu, ông có nhận xét như thế nào?
+ Khu hệ bò sát, ếch nhái của Quảng Ninh có nhiều điểm đáng chú ý, với nhiều loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao. Ví dụ như loài thằn lằn cá sấu, hiện nay chỉ được ghi nhận duy nhất ở khu vực Đông Bắc Việt Nam, cụ thể là ở Bắc Giang và Quảng Ninh. Theo đánh giá trong nhiều năm của chúng tôi thì quần thể loài này ở Việt Nam chỉ còn khoảng 200 cá thể thôi, ở Trung Quốc còn khoảng 1.000 cá thể và được đánh giá là loài nguy cấp, quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó còn một số loài mang tính đặc hữu, chỉ phân bố ở Việt Nam, cũng được đánh giá là nguy cấp trên thế giới và Việt Nam, ví dụ như loài cá cóc Việt Nam hiện chỉ phân bố ở một số tỉnh Đông Bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, cụ thể ở Quảng Ninh có ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng và dãy núi Yên Tử. Tương tự là loài thạch sùng mí Cát Bà là đặc trưng của khu hệ núi đá vôi, chỉ phân bố duy nhất ở Vườn quốc gia Cát Bà và các đảo đá vôi nằm trên Vịnh Hạ Long, thậm chí trên thế giới cũng không ở đâu khác ghi nhận loài này.
Khu hệ bò sát, ếch nhái của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua cũng có nhiều loài mới được ghi nhận. Trong đó, năm 2017, nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện ra loài ếch nhẽo Quảng Ninh, năm 2020 phát hiện loài rắn trán ở Hải Hà, được đặt tên theo địa danh tìm ra chúng.
- Đa dạng và có nhiều loài quý hiếm như vậy, các loài bò sát, ếch nhái ở Quảng Ninh có bị nguy cơ xâm hại nào không?
+ Khu hệ bò sát, ếch nhái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, Việt Nam nói riêng thời gian qua bị tác động tương đối mạnh vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do 2 nguyên nhân chính là mất và suy thoái sinh cảnh sống và bị săn bắt, buôn bán trái phép. Đặc biệt là các loài thuộc nhóm bò sát lớn như rùa, rắn thường bị săn bắt, buôn bán làm sinh vật cảnh, làm thực phẩm, các loài rùa còn làm thuốc… Hay như loài thạch sùng mí Cát Bà, thằn lằn cá sấu bị rất nhiều đối tượng săn bắt để làm sinh vật cảnh và xuất bán cho các đối tượng không chỉ ở Việt Nam mà cả châu Âu, châu Mỹ với giá tương đối cao vì hình thù kỳ lạ của nó được những người chơi sinh vật cảnh rất ưa thích.
Theo thống kê của các chuyên gia, Quảng Ninh có tới 183 loài được đánh giá ở một trong các thứ hạng bị đe dọa tuyệt chủng của Sách Đỏ Việt Nam (2007), 119 loài bị đe dọa tuyệt chủng theo đánh giá của IUCN, 297 loài trong các phụ lục I, II và III của Công ước CITES, 258 loài có trong các Nghị định của Việt Nam. Số lượng loài đặc hữu, phân bố hẹp của Việt Nam hoặc Quảng Ninh là 168 loài…
|
- Ông có thể nói rõ hơn về việc mất sinh cảnh sống của chúng là do đâu không?
+ Sinh cảnh sống của sinh vật nói chung, các loài bò sát, ếch nhái bị mất hoặc suy thoái chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng từ rừng tự nhiên sang rừng trồng cây công nghiệp như keo, quế, rồi xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá phục vụ cho phát triển du lịch dẫn tới mất rừng.
Từ đó, khiến các mảng rừng tự nhiên ngày xưa bị chia cắt, dẫn tới việc chia cắt quần thể của các loài động vật hoang dã nói chung, các loài bò sát, ếch nhái nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp tới các loài này. Rồi khi phát triển du lịch mà không kiểm soát tốt cũng sẽ dẫn tới ô nhiễm rác thải, nguồn nước. Ví dụ như ếch nhái là loài lưỡng cư nên khi nguồn nước bị ô nhiễm thì ảnh hưởng trực tiếp tới cá thể trưởng thành, ảnh hưởng tới nòng nọc vốn cần môi trường nước để phát triển thành ếch con.
- Vậy ông có đánh giá như thế nào về vai trò của các đơn vị quản lý, địa phương hay các dự án bảo tồn đa dạng sinh học mà Quảng Ninh đã triển khai thời gian qua?
+ Ở Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung trong những năm gần đây có rất nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào đã nỗ lực để giữ vững được tính đa dạng của khu hệ động vật hoang dã cũng như sinh cảnh rừng nói chung, cùng với đó còn có một xu hướng nữa là phục hồi các quần thể sinh vật đã bị suy giảm, để trả lại hiện trạng như ngày xưa. Tất nhiên là việc phục hồi cần thời gian rất dài và rất nhiều nguồn lực, vì vậy, trước mắt tôi nghĩ là chúng ta nên tập trung vào việc bảo vệ trước, sau đó mới tiến tới phục hồi. Việc phục hồi cũng cần phải đánh giá theo từng bước một và đánh giá xem cần phục hồi loài nào trước, loài nào cần thiết và cấp bách nhất có thể làm trước…
Ví dụ như với nhóm thằn lằn cá sấu, chúng tôi đã chi rất nhiều tiền của, kêu gọi từ quốc tế tới Việt Nam nghiên cứu trong nhiều năm qua và đã nhân nuôi thành công một số cá thể. Chúng tôi đang xây dựng một đề án để thả lại quần thể thằn lằn cá sấu này vào một khu nào đấy ở Quảng Ninh trong một thời gian rất gần thôi. Chúng tôi đề xuất giai đoạn 2023-2025, trước mắt là để đánh giá lại hiện trạng và sinh cảnh rừng, nơi nào là phù hợp nhất với chúng để tái thả lại một số cá thể và sau đó là theo dõi xu hướng phát triển của quần thể này, tiến tới là một số loài khác nữa.
Về mặt lâu dài thì tôi nghĩ, Quảng Ninh cần nghiên cứu một cách toàn diện tất cả các nhóm loài để có thể đánh giá được toàn diện mức độ đa dạng sinh học của tỉnh, và nếu có tiềm lực hơn nữa thì nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng các loài - công việc này đòi hỏi thời gian và tốn kém hơn nhiều so với đánh giá về thành phần loài, ví dụ như loài cây này còn bao nhiêu diện tích, loài động vật kia còn khoảng bao nhiêu cá thể, rồi từ hiện trạng đó bắt đầu xây dựng các đề án tiếp theo là bảo vệ sinh cảnh đó như thế nào.
- Quảng Ninh hiện đã thành lập được khá nhiều các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng… Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, trong đó có các loài bò sát, ếch nhái?
+ Như chúng ta biết, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng… thường có tính đa dạng sinh học cao nhất, còn các rừng trồng, rừng tạp thì tính đa dạng sinh học tương đối thấp. Chính vì thế, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc thành lập được hệ thống rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia trên địa bàn để giữ được sự đa dạng của các loài động, thực vật hoang dã nói chung, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm nói riêng, hay các loài đặc hữu chỉ có ở Quảng Ninh hay Việt Nam nói chung. Qua đó, giữ được tính đa dạng của quần thể loài sinh vật tương đối tốt.
Quảng Ninh có khu Quảng Nam Châu thuộc địa bàn các địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu cũng đang được tỉnh đề xuất xây dựng khu bảo tồn loài và sinh cảnh, để có thể chính thức được bảo vệ giống như các Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng hay Vườn quốc gia Bái Tử Long... Đó là một cách làm đúng, chúng ta phải khoanh những khu có mức độ đa dạng sinh học cao đó lại để giữ được sự đa dạng đã, sau đó mới có những bước đầu tư tiếp theo cho kiểm lâm, cán bộ khoa học địa bàn. Khi các chuyên gia ở các viện nghiên cứu chuyển giao những kết quả nghiên cứu thì các lực lượng này từ đó có thể thực hiện những công việc tiếp theo để giữ vững sự đa dạng, tiến tới là phục hồi, nâng cao các quần thể động, thực vật hoang dã của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Ngọc Mai (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()