Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:17 (GMT +7)
Quảng Ninh đổi mới cùng đất nước
Thứ 7, 02/09/2023 | 09:25:24 [GMT +7] A A
Quảng Ninh nổi tiếng là vùng "địa linh, nhân kiệt"; là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc. Quảng Ninh còn là “cái nôi” của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào "vô sản hóa"góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước, làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của Đảng, của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, trải qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã kiên cường đi lên, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc...
Tạo sức bật từ đầu tư hạ tầng
Những ngày này, hòa chung không khí của cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, cán bộ, đảng viên, các lực lượng và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh hân hoan, sôi nổi thi đua, có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng ngày lễ lớn của đất nước. Nhân dịp này, nhiều công trình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh cũng được gắn biển chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023) đó là công trình Công viên Tùng tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên huyện đảo Cô Tô. Đặc biệt hơn, công trình Tỉnh lộ 341 (QL18C) đã được gắn biển chào mừng dưới sự chứng kiến của đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Sau hơn 1 năm thi công, đây là tuyến đường quan trọng, kết nối các xã miền núi, biên giới của tỉnh, nối liền 2 KKT trọng điểm Móng Cái - Bắc Phong Sinh, đi qua các xã vùng cao của TP Móng Cái và huyện Hải Hà hoàn thành. Niềm vui phấn khởi của người dân, nhất là bà con các xã biên giới Móng Cái, Hải Hà càng thêm vui hơn trong những ngày tháng 9 lịch sử bởi công trình giao thông động lực hoàn thành, góp phần tích cực tạo điều kiện để nhân dân trong vùng biên giới đi lại thuận lợi, an toàn, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Có mặt tại Lễ khánh thành công trình, anh Chỏong Văn Hoàng (thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) phấn khởi cho biết: Trước đây, đường cũ rất hẹp, cong cua, gồ ghề khó đi. Được sự quan tâm của tỉnh và địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giờ đây bà con có đường mới rộng đẹp nên ai cũng mừng lắm. Trước đây, đi từ Bắc Phong Sinh đến Móng Cái phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, giờ thì chạy xe khoảng 30 phút đã tới nơi mà rất nhàn. Chắc chắn việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của bà con từ đây sẽ thuận tiện hơn nhiều...
Bên cạnh vai trò nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, tuyến đường này còn là trục giao thông quan trọng kết nối 2 KKT cửa khẩu Móng Cái - Bắc Phong Sinh, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng theo đúng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Từ đó, mở ra không gian và dư địa phát triển mới mang tính đột phá, tạo nên hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với các KCN, KKT trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tạo ra lợi thế cạnh tranh thúc đẩy hợp tác quốc tế và liên kết vùng, liên vùng, nội vùng. Đưa Quảng Ninh trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực hợp tác Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, kết nối và cụ thể hóa khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng… trở thành vùng kinh tế động lực.
Trong chiến lược phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định rất rõ vai trò quan trọng của hạ tầng phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, từ đó tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư các dự án, công trình, hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH. Trong đó, tỉnh đặc biệt qua tâm phát triển hạ tầng giao thông kết nối các vùng miền trong tỉnh. Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn về nguồn nhân sách, nhưng tỉnh luôn tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương và phát huy sức mạnh nội sinh để đầu tư, hoàn thiện nhiều công trình, dự án. Từ một tỉnh khó khăn về nhiều mặt, nay trở thành một trong những địa phương có chỉ số hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Hiện, Quảng Ninh đang tiếp tục đầu tư thêm hàng chục nghìn tỉ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh cũng như liên tỉnh, thành. Tính đến ngày 1/9/2022, Quảng Ninh đã hoàn thành mảnh ghép cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc nhiều nhất Việt Nam nối dài từ Hải Phòng - Móng Cái, tổng số 176km, bằng 1/6 tổng số km (1.046km) đường cao tốc cả nước. Cùng với đó, Quảng Ninh đã hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, cảnh quan đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với 6 làn xe, con đường đẹp nhất Việt Nam, đưa cầu Tình Yêu vào sử dụng kết nối TP Hạ Long với Hoành Bồ sau sáp nhập... Đây đều là những công trình giao thông mang ý nghĩa động lực, tạo đà phát triển cho Quảng Ninh.
Quảng Ninh cũng tạo đột phát về hạ tầng với những cảng tàu cao cấp như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu – cảng tàu nhân tạo đạt kỷ lục guinness lớn nhất Việt Nam với bến cảng dài gần 10km, tiếp nhận được 2.000 tàu du lịch. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long – cảng tàu chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam. Cảng sở hữu hệ thống cầu, bến dài, rộng, có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 khách và thủy thủ đoàn. Cảng cao cấp Ao Tiên với quy mô gần 30ha. Đây là tổ hợp cảng thiết kế theo chủ đề không gian xanh có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu, cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế. Đặc biệt, Quảng Ninh cũng tiên phong hợp tác đầu tư công - tư xây dựng, đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Ngoài hạ tầng giao thông, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp hiện đại; các dịch vụ tiện ích cơ bản về viễn thông, năng lượng, tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin được tỉnh chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Quảng Ninh tự hào khi lập kỷ lục 6 năm liên tục đứng đầu chỉ số PCI và 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Quảng Ninh cũng trở lại ngôi vị dẫn đầu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022.
Để thiết thực chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh đang nô nức hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Trong đó, trên địa bàn tỉnh triển khai 60 công trình chào mừng thành lập tỉnh thuộc các lĩnh vực KT-XH, QP-AN..., trong đó có 10 công trình cấp tỉnh và 50 công trình cấp huyện. Không khí thi đua cũng đang diễn ra sôi nổi trên các công trình trọng điểm của tỉnh, như: Công trình xây dựng CDC Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; nhiều công trình cũng đang đẩy nhanh tiến độ, như: Nút giao Hạ Long xanh; cầu Cửa Lục 3; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342; đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT Cửa khẩu Móng Cái; cải tạo, nâng cấp tuyến đường kết nối QL18A đến trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); hệ thống điện chiếu sáng chỉnh trang tuyến đường xuyên đảo Minh Châu - Quan Lạn (huyện Vân Đồn); xây dựng đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên); quảng trường Trung tâm TX Đông Triều…
Hạnh phúc của nhân dân- Mục tiêu, động lực phấn đấu của tỉnh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trên chặng đường phát triển, tỉnh luôn đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu với mục tiêu "Vì hạnh phúc của nhân dân".
Những năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá trên mọi lĩnh vực. Quảng Ninh đã trở thành tâm điểm của sự đổi mới, nhất là tiên phong trong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong mọi nhiệm vụ, Quảng Ninh đều gắn với mục tiêu “lợi ích nhân dân” để “mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tỉnh luôn kiên định mục tiêu gắn chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hoá giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, đảm bảo hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống văn hoá tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”...
Đặc biệt, hơn 3 năm qua, dù nhiều khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh luôn cân đối dành nguồn lực, có những chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bố trí nguồn lực lớn cho các vùng ĐBKK, đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, giàu nghèo. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh dành trên 7.000 tỷ đồng chi cho an sinh, phúc lợi xã hội, chú trọng các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo; chăm lo nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi... Đặt biệt, tỉnh đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Đồng thời, phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học ngành giáo dục; dành 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế (giai đoạn 1); 277 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh đã bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công để đầu tư xây dựng 12 trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh...
Từ nguồn NSNN chi cho an sinh xã hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Rõ nét nhất, tỉnh đầu tư hoàn thiện các trung tâm y tế; xây dựng hoàn thiện Bệnh viện Lão khoa; cải tạo nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần và Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho Trung tâm Bảo trợ tâm thần thuộc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần; nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh... Nhiều công trình văn hoá, thể thao, trường học cũng được đầu tư, cải tạo hoàn thiện và đưa vào sử dụng, như: Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh; Sân Vận động Cẩm Phả; Công viên Tùng tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (huyện Cô Tô)...
Tỉnh cũng kịp thời thực hiện chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi (đạt 99,8%); bao phủ BHYT đạt 95,2%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động. Đến nay, Quảng Ninh đạt các chỉ tiêu: 14,9 bác sĩ/vạn dân, 2,7 dược sĩ đại học/1 vạn dân, 24 điều dưỡng/1 vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 94,25% dân số; quản lý, theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử cho 94,3% dân số. Riêng chỉ tiêu giường bệnh/1 vạn dân còn thấp, mới đạt 56,6 giường bệnh/1 vạn dân.
Quảng Ninh về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19... Những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút hoàn thành những căn nhà cho hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hướng đến mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn...
Thành quả này minh chứng sinh động về những nỗ lực của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc... Những thành tích to lớn, dấu ấn nổi bật đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của tỉnh với những định hướng chiến lược, từ đó cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Đây được ví như “luồng gió mới” thổi bùng khát vọng phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Huế
- Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu đông 2023 thu hút đông người dân, du khách
- Truyền hình Quảng Ninh: Đồng hành trên con đường phát triển đất nước
- Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh: Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân dịp Quốc khánh 2/9
- Bài 1: Hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối
- Bài 2: Động lực phát triển cho vùng khó
Liên kết website
Ý kiến ()