Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:38 (GMT +7)
Quảng Ninh đồng hành cùng các nhà đầu tư KCN và nhà đầu tư thứ cấp trong KCN phát triển bền vững
Thứ 7, 17/09/2022 | 19:20:06 [GMT +7] A A
Ngày 17/9, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác đã đi khảo sát tình hình phát triển và thu hút đầu tư các dự án thứ cấp trong KCN Bắc Tiền Phong, KCN Nam Tiền Phong. Trực tiếp kiểm tra hiện trường để giải mã những vấn đề nhà đầu tư quan tâm cùng những khó khăn cần tháo gỡ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Quảng Ninh cam kết đồng hành mạnh mẽ để các nhà đầu tư hạ tầng KCN và nhà đầu tư thứ cấp trong KCN sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Cùng đi có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
KKT ven biển Quảng Yên hiện được đánh giá là vùng đất có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển thành vùng kinh tế động lực ở tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng Bắc Bộ nói chung. KKT ven biển Quảng Yên hội tụ nhiều yếu tố về vị trí địa lý, dư địa quỹ đất, cơ chế chính sách để phát triển đột phá. Đặc biệt với lợi thế vừa có đường biển, vừa có đường bộ và đường hàng không giáp với Sân bay Cát Bi và Sân bay Vân Đồn giúp cho hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của KKT này đa dạng và có sức cạnh tranh cao so với các KKT khác. Chính với ưu thế về vị trí này, KKT ven biển Quảng Yên ngày càng nổi bật trong vai trò trạm trung chuyển quốc tế, trở thành đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các khu vực thuộc Đông Bắc Á, Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc.
Hiện, KKT ven biển Quảng Yên đã quy hoạch, phát triển 5 KCN gồm: KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Nam Tiền Phong và KCN Bạch Đằng. Các KCN này đều sở hữu lợi thế lớn về vị trí địa lý nhờ kết nối trực tiếp với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, sau khi tỉnh khánh thành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và triển khai hàng loạt dự án giao thông động lực trên địa bàn KKT Quảng Yên thì KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong và KCN Sông Khoai đã tạo thêm lợi thế cạnh tranh mới rất khác biệt. Cùng với đó, KCN sở hữu nhiều cơ chế chính sách ưu đãi rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, KCN Bắc Tiền Phong đã có 3 nhà đầu tư thứ cấp được Ban Quản lý KKT cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 5.510 tỷ đồng; 2 nhà đầu tư đã trình Ban Quản lý KKT hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 1.200 tỷ đồng; 4 nhà đầu tư đã ký hợp đồng giữ đất và biên bản ghi nhớ đầu tư. Ngoài ra, chủ đầu tư KCN Bắc Tiền Phong đang trong quá trình thương thảo với một số nhà đầu tư của Châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam để thu hút vào KCN Bắc Tiền Phong.
Triển khai chủ đề công tác năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” và khâu đột phá của cả nhiệm kỳ, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung các giải pháp để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số, nhất là trên địa bàn KKT Quảng Yên. Rõ nét nhất là Quảng Ninh đã khởi công khu nhà ở cho công nhân tại KCN Đông Mai và hiện đang tiếp tục triển khai dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Sông Khoai. Tỉnh cũng đã chỉ đạo bài bản để tái cơ cấu nguồn lao động tại chỗ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế cũng như các thành phần kinh tế.
Vì vậy, KKT Quảng Yên và các KCN trên địa bàn KKT Quảng Yên đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn, đặc biệt trong việc thu hút nguồn nhân lực sẵn có được đào tạo bài bản cũng như thu hút nguồn nhân lực của các địa phương lân cận như Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng bởi vị trí thuận lợi và hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi.
Tại buổi kiểm tra hiện trường và làm việc với nhà đầu tư khu công nghiệp Nam, Bắc Tiền Phong, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định tỉnh Quảng Ninh cam kết đồng hành mạnh mẽ để các nhà đầu tư KCN và các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN phát triển bền vững.
Trực tiếp chỉ đạo và giải mã những vấn đề nhà đầu tư quan tâm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu TX Quảng Yên phải hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích phục vụ cho các nhà đầu tư thứ cấp vào và xây dựng nhà ở, khu dịch vụ; Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp các đơn vị liên quan giải quyết ngay vấn đề về thủ tục hành chính, quy hoạch, cấp phép xây dựng và vật liệu san lấp; đảm bảo cung ứng đủ nước, nguồn cung điện, chất lượng ổn định tới chân công trình và đáp ứng yêu cầu nguồn lao động phục vụ sản xuất.
Đồng chí khẳng định Quảng Ninh luôn chào đón và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về hạ tầng, thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, an toàn; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư tới đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đang dành sự quan tâm rất lớn cho các KCN đang có những tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh, nhà đầu tư hạ tầng KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong cần tập trung nguồn lực hoàn thiện các hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp và nỗ lực hơn nữa cùng với tỉnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp chế xuất với công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện môi trường, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon, giá trị suất đầu tư trên diện tích đất cao. Mục tiêu đặt ra là trong 2 năm (2022 và 2023), sẽ thu hút được ít nhất từ 3-4 tỷ USD đầu tư tại các KCN này. Tỉnh hết sức ủng hộ nhà đầu tư đề xuất sẽ phát triển KCN Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong theo hướng mô hình KCN sinh thái và cùng với các KCN khác của tỉnh kết nối trong hệ sinh thái của các KCN trên toàn quốc.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()