Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:41 (GMT +7)
"Quảng Ninh luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa"
Thứ 3, 11/03/2014 | 15:24:29 [GMT +7] A A
Quan tâm tới chủ trương thành lập đặc khu kinh tế của Quảng Ninh, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến những chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh về vấn đề này.
- Thưa ông, những năm vừa qua hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế, vậy Quảng Ninh đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn?
+ Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã rất trăn trở và chỉ đạo các cấp, ngành phải tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường… Tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với cộng đồng các doanh nghiệp của tỉnh để tìm hiểu thực tế, nghe các đề xuất, kiến nghị để tìm cách giải quyết. Cụ thể trong những năm gần đây, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên đến làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, du lịch, thương mại và nông - lâm - ngư nghiệp; các buổi làm việc với Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh được duy trì hàng quý. Qua đó, nhiều giải pháp đã được tỉnh thực hiện như: Điều chỉnh giá thuê đất bằng giá tối thiểu theo quy định tại tất cả các địa phương trong tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng KHCN sản xuất kinh doanh; điều chỉnh lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp; gia hạn một số khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cho ngành Than…
- Những giải pháp đó đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?
+ Về hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh thì chỉ tính trong năm 2013, ngân sách tỉnh đã dành 200 tỷ đồng để đầu tư các dự án khoa học công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ về vốn tín dụng, giải quyết nợ xấu, thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và cho vay với lãi suất dưới 13%/năm: 56.200 tỷ đồng, chiếm 87% tổng dư nợ, lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 180 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ… Những kết quả trên đã tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong năm 2013 là năm các giải pháp được triển khai quyết liệt. Nhìn chung, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, đã khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương; tiếp tục đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký có giá trị pháp lý trên toàn tỉnh có trên 8.500 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 80.174 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 96% trong tổng số doanh nghiệp; trên 2.500 đơn vị trực thuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại tỉnh. Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp khó khăn, các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thành lập mới, gia nhập thị trường, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoặc được thông báo là không hoạt động đã quay trở lại hoạt động trong những tháng cuối năm 2013. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nhân tố quyết định đóng góp vào thu ngân sách Nhà nước, trong năm 2013, riêng doanh nghiệp ngoài quốc doanh nộp ngân sách 1.440 tỷ đồng, bằng 104% dự toán, tăng 30% so với năm 2012.
- “Đồng hành cùng doanh nghiệp” là một chủ đề quan trọng mà Quảng Ninh đã đặt ra trong năm 2014 và Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện. Sở đã cụ thể hoá chủ đề này bằng những hành động gì, thưa ông?
+ Được UBND tỉnh giao xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch bao gồm 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là: Tạo điều kiện tiếp cận vốn, giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, tìm kiếm thị trường giải quyết hàng tồn kho, giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ pháp lý, tạo thuận lợi về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư phát triển… Các nhiệm vụ và giải pháp này được phân công cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện. Bởi lẽ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh là vấn đề liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Trong quá trình triển khai rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, với đầu mối là Hiệp hội Doanh nghiệp.
- Như vậy, trong năm 2014 này doanh nghiệp sẽ được tỉnh và các ngành, địa phương hỗ trợ một cách tối đa?
+ Không phải chỉ riêng năm 2014 mà tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ một cách tối đa cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, các giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chưa tạo được những chuyển biến rõ nét. Chính vì thế, năm 2014 Quảng Ninh sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo một nền tảng mới cho những năm tiếp theo.
- Xin cảm ơn ông!
Hà Chi (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()