Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 04:27 (GMT +7)
Quảng Ninh: Phát huy tiềm năng kinh tế biển
Thứ 5, 30/06/2022 | 10:01:52 [GMT +7] A A
Với vị trí cửa ngõ ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ các dịch vụ chất lượng cao tại cảng khách, cũng như tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế sẵn có để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, góp phần đưa kinh tế biển trở thành kinh tế mũi nhọn.
Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Tỉnh ủy về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được ban hành với các định hướng nhằm hiện thực hóa mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển”.
Trong giai đoạn 2018-2021, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đạt trên 7.400 tỷ đồng, đạt 29,81% kế hoạch, tăng bình quân đạt 16,7%/năm, sát với mục tiêu của kế hoạch (17,5%/năm). Những bước chuyển biến đang thấy rõ tại hệ thống các cảng trên địa bàn tỉnh, gồm cả cảng khách và cảng hàng hóa.
Nỗ lực phát triển các dịch vụ cảng khách quốc tế
Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Tỉnh ủy cũng đề ra mục tiêu phấn đấu phát triển các dịch vụ chất lượng cao phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế tại Cảng khách quốc tế Hòn Gai - cảng tàu đón khách có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch đường biển của Quảng Ninh.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai đã trở thành cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam đủ năng lực đón cả khách nội địa và khách quốc tế. Các khu chức năng, khu dịch vụ, nhà hàng, trung tâm mua sắm hiện đại, cửa hàng miễn thuế tại bến cảng khách quốc tế Hòn Gai đã được cập nhật vào Quy hoạch phân khu, khu vực Bãi Cháy - Hạ Long. Hệ thống siêu thị, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ y tế, hệ thống cung cấp xăng dầu, cung cấp nước ngọt và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch tại Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ.
Đáng chú ý, khu vực Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai thuộc phân khu E, gồm khu nhà ga, cầu cảng, cây xanh, bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, nhà thương mại dịch vụ cao tầng, khu resort… đảm bảo các chức năng theo yêu cầu; các dịch vụ XNC, kiểm dịch y tế luôn đảm bảo, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Không chỉ nâng cấp dịch vụ đón khách, “Phố đêm du thuyền” được bố trí dọc hai bên cầu cảng của Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai hiện đang trở thành một sản phẩm du lịch hút khách. Thời gian hoạt động của phố đêm bắt đầu từ 17 đến 23h hằng ngày. Hiện đã có gần 30 tàu du lịch 4-5 sao được lựa chọn tham gia hoạt động của phố đêm. Tàu xuất phát tại Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, trong hành trình 4 tiếng trên vịnh, du khách được ngắm thành phố về đêm với các địa điểm du lịch nổi tiếng như Vòng quay Mặt Trời, cầu Bãi Cháy, núi Bài Thơ...
Đây là điểm đến mới, hấp dẫn du khách khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giảm tải cho các nhà hàng trên bờ khi bước vào những mùa, những ngày cao điểm; tạo được mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai. Đồng thời, tối ưu hóa khả năng khai thác của tàu tham quan vịnh; hạn chế tính chất mùa vụ cho tàu tham quan.
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng BQL vịnh Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai đã và đang tạo điều kiện tối đa cho du khách được tiếp cận, thụ hưởng hạ tầng dịch vụ du lịch tốt, thuận lợi, an toàn, văn minh, lịch sự. Nhất là từ khi mở cửa du lịch trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai đã trở thành điểm đến nổi tiếng, tấp nập vào ra của các tàu, thuyền trong và ngoài nước, trong đó có tàu du lịch đưa khách đi tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Ninh.
Nối liền với dịch vụ từ cảng tàu đón khách là các công trình hạ tầng du lịch hoàn thiện khu vực bờ biển Trần Quốc Nghiễn, bãi tắm Hòn Gai, Cẩm Phả, cùng hàng loạt hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao xung quanh khu vực cảng hành khách được đầu tư xây mới như: Paddington Hotel Hạ Long, Trí Đức, Hà Thành, Central Luxury Hạ Long, Mường Thanh Quảng Ninh, Vinpearl Resort&Spa Halong, Wyndham Legend Hạ Long, Premier Village Hạ Long Bay Resort…
Phát triển dịch vụ logistics tại các cảng hàng hóa
Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Với hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 diện tích hải đảo, Quảng Ninh có hệ thống cảng, bến như: Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác, thuận lợi cho thúc đẩy phát triển ngành vận tải đường biển giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Xác định logistics là dịch vụ quan trọng, cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong việc ban hành kế hoạch chuyên biệt về phát triển logistics đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, các cơ quan chức năng vẫn duy trì, đảm bảo thực hiện thông suốt các dịch vụ hải quan, cảng vụ, bảo đảm hàng hải; hoạt động XNK hàng hoá bằng đường biển ổn định, đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Thời gian thông quan hàng hoá tiếp tục được rút ngắn hơn so với năm 2019. 100% thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện công khai trên hệ thống một cửa quốc gia; 100% khu bến được áp dụng triển khai thủ tục hải quan tự động theo đúng chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ 4.0 để giải quyết thủ tục hành chính.
Chuỗi logistics gồm nhiều hoạt động như dịch vụ cung ứng tàu biển, dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê kho bãi, dịch vụ giao nhận hàng hóa, các dịch vụ sau cảng, dịch vụ đại lý hàng hải và đại lý làm thủ tục hải quan, dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển... đang từng bước phát triển đa dạng hơn trước.
Đáng kể như đối với dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, trước khi có Nghị quyết 15-NQ/TU, Quảng Ninh có 16 doanh nghiệp tham gia hoạt động bốc xếp hàng hóa từ tàu biển. Năng lực bốc xếp hàng hóa từ tàu biển đạt 10.000-15.000 tấn/ngày. Trong 3 năm, một số doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư trang thiết bị bốc xếp hàng hóa như Công ty TNHH VTB Bạch Đằng, Công ty TNHH Huy Mạnh, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh; ngoài ra còn thu hút được một số doanh nghiệp tham gia dịch vụ bốc xếp hàng hóa như Công ty CP Vận tải biển Hải Vân (TP Hồ Chí Minh), HTX Xếp dỡ Thành Lộc (Hải Dương). Qua đó, năng xuất bốc xếp hàng hóa từ tàu biển đạt 20.000 tấn/ngày.
Đến nay có tổng số 19 doanh nghiệp tham gia hoạt động bốc xếp hàng hóa bằng đường biển, tăng 3 doanh nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với hệ thống bốc xếp hàng hóa trong khu vực.
Trong công tác quản lý, vận hành, các doanh nghiệp cảng biển đang từng bước đổi mới, chuyển đổi mô hình quản trị khai thác cảng biển, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành khai thác cảng biển, nỗ lực tìm kiếm thị trường để nâng cao hiệu quả, công suất khai thác bến cảng.
Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) đã thực hiện đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa, hoạt động được quản lý trên phần mềm và được giám sát chặt chẽ qua hệ thống camera. Từ năm 2019, CICT đã xây dựng cổng thông tin điện tử dành cho khai thác hàng nông sản; tiếp tục cung cấp dịch vụ logistics chất lượng cho nhà máy Hyundai Thành Công (HTC); giữ chân tuyến tàu ACS tại Cái Lân, tăng doanh thu cho cảng. CICT đã cung cấp dịch vụ chất lượng và ổn định cho nhiều shipper lớn bao gồm: Cargill (1 trong 4 shipper lớn nhất trong ngành thức ăn chăn nuôi toàn cầu), Crossland, Enerfo, Cofco...
Song song với việc phát triển cảng Cái Lân, Quảng Ninh đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã cập nhật, bổ sung quỹ đất hỗn hợp dành cho dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê tăng thêm khoảng 4.781,7ha để thực hiện 5 dự án tại khu vực Quảng Yên. Ngoài ra, một số dự án cũng đang được xúc tiến thu hút đầu tư tại khu vực cửa khẩu Bình Liêu, Móng Cái, là các địa phương có thế mạnh để phát triển dịch vụ kho bãi, logistics. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi khu vực Quảng Yên trở thành trung tâm vệ tinh dịch vụ cảng biển, tạo sức hút và động lực tăng trưởng cho khu vực phía tây của tỉnh; phát triển một số dự án dịch vụ kho bãi tại các KKT Cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn, nhằm phát huy ưu thế XNK hàng hóa biên mậu, kết nối với hệ thống cảng biển khu vực miền đông.
Sự quan tâm đầu tư, phát triển các dịch vụ tại Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cũng như hoạt động sôi động hơn của các dịch vụ logistics tại các cảng hàng hóa là những chuyển biến tích cực, thể hiện sự nỗ lực và kiên định của Quảng Ninh trong việc phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, mặc dù được thực hiện trong những năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với nhiều khó khăn và thách thức. Đây cũng là một trong những tiền đề để tỉnh tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các dự án phát triển dịch vụ cảng nói chung và kinh tế biển nói riêng trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước trong tương lai.
Hùng Sơn - Phương Loan
Liên kết website
Ý kiến ()