Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 22:58 (GMT +7)
Nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ
Thứ 4, 27/10/2021 | 09:20:42 [GMT +7] A A
Đội ngũ cán bộ tỉnh Quảng Ninh nói chung, cán bộ nữ nói riêng hiện có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước phát huy tốt năng lực, vai trò, vị trí trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 21.860 CBCCVC nữ, chiếm 72,3% tổng số CBCCVC toàn tỉnh; trong đó 1.655 người có trình độ thạc sĩ trở lên, 86 người có trình độ tiến sĩ và tương đương, 71 đồng chí thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, chiếm 19,56% (ủy viên BTV Tỉnh ủy 2 đồng chí, chiếm 13,3%; ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh 9 đồng chí, chiếm 17%...).
Trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Quảng Ninh đều có cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp tăng cao hơn quy định; cán bộ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh.
Để có được kết quả này, những năm qua, BTV Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 20/7/2015 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới; cùng nhiều văn bản chỉ đạo chuyên đề khác.
Trong các chỉ thị, văn bản, kế hoạch chỉ đạo đại hội đảng và bầu cử đại biểu HĐND các cấp của BTV Tỉnh ủy đều nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác rà soát, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ để đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 15%, ứng cử đại biểu HĐND các cấp trên 35% để đạt tỷ lệ trúng cử đại biểu HĐND các cấp từ 30% trở lên.
Từ năm 2015 đến nay, BTV Tỉnh ủy đã quyết định luân chuyển, điều động 21 nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các sở, ban, ngành, địa phương, bao gồm cả luân chuyển từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, từ cấp huyện lên tỉnh và luân chuyển giữa các sở, ban, ngành nhằm tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, trưởng thành, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng.
Nhằm tạo bước đột phá trong quy trình cán bộ, Quảng Ninh đi đầu trong toàn quốc về thực hiện đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng đề bạt, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tỉnh đã lựa chọn được những cán bộ có phẩm chất, đạo đức, năng lực nổi trội để bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, cán bộ nữ nói riêng, là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện chủ trương chung của tỉnh về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã cử: 381 CBCC nữ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 190 cán bộ nữ đương nhiệm và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn của tỉnh; 489 cán bộ nữ đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài theo chương trình Đề án 293 của tỉnh và Đề án 165 trung ương, chiếm 33-36% trong tổng số học viên của các lớp.
Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của BTV Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đối với công tác phụ nữ, đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh đã không ngừng cố gắng, ý thức trách nhiệm vươn lên. Không chỉ hoàn thành tốt vai trò, chức năng làm vợ, làm mẹ, đội ngũ cán bộ nữ còn khẳng định được trí tuệ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các cấp ủy đảng tin tưởng giao những nhiệm vụ trọng trách cao hơn.
Là người phụ nữ dân tộc Tày đầu tiên ở Quảng Ninh đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, chia sẻ: “Phụ nữ làm cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng có khó khăn nhất định, như sức khỏe, trách nhiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Để vẹn cả đôi đường, tôi đã quản lý quỹ thời gian một cách khoa học, hợp lý, đặc biệt luôn cân bằng giữa công việc xã hội và công việc gia đình...”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW), đã xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỷ lệ nữ ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đạt trên 35%...
“Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian tới, với vai trò là cơ quan tham mưu cho tỉnh về công tác cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung tham mưu cho tỉnh có những giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ; quan tâm phát hiện, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, tạo điều kiện cho cán bộ nữ của tỉnh phát huy tốt năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Qua đó, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” - Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, nhấn mạnh.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()