Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:47 (GMT +7)
Quảng Ninh thực hiện 3 đột phá chiến lược năm 2021
Thứ 4, 28/07/2021 | 08:31:03 [GMT +7] A A
Thực hiện 3 đột phá chiến lược là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh. Chính vì vậy, năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, cùng với nhiệm vụ quyết liệt trong phòng chống dịch, Quảng Ninh vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, ở mức cao hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là động lực quan trọng để KT-XH địa phương tiếp tục tăng trưởng.
Tập trung, quyết liệt, đúng trọng điểm
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh dành ưu tiên lớn trong đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các dự án, công trình quan trọng, động lực, từ các nguồn vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách. Đáng chú ý, đối với các công trình, dự án động lực đầu tư bằng ngân sách đều không có nhu cầu bổ sung thêm vốn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: UBND tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực; quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng chây ỳ, nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong năm 2021, tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành một số dự án trọng điểm, động lực, như: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km 6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)... Các dự án hoàn thành, đi vào sử dụng chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy KT-XH địa phương.
Không chỉ tập trung cho các dự án đầu tư bằng ngân sách, đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh đã yêu cầu cơ quan tham mưu lập danh sách các dự án ưu tiên cần hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc khởi công năm 2021. Đặc biệt, tháng 6/2021, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tổ trưởng là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Dự kiến, Tổ công tác sẽ thực hiện rà soát 87 dự án đầu tư ngoài ngân sách, tại 11/13 địa phương trong tỉnh. Một số địa phương có dự án rà soát lớn, như: TX Đông Triều 24 dự án, TP Uông Bí 17 dự án, Vân Đồn 10 dự án, TP Hạ Long 7 dự án... Tỉnh cũng thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ một số dự án đầu tư trọng điểm, như: Tổ công tác hỗ trợ Tập đoàn Foxconn tại Quảng Ninh; Tổ công tác hỗ trợ triển khai Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar; Tổ công tác hỗ trợ triển khai các Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN trên địa bàn TX Quảng Yên... Các tổ công tác chủ động làm việc với các chủ đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai, GPMB; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cấp phép đầu tư, trọng tâm là các dự án trong KKT, KCN; hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đầu năm tới nay, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm giữ vững thứ hạng của tỉnh đối với 4 chỉ số: PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS. Các sở, ban, ngành, địa phương bám sát tinh thần và triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU (ngày 9/4/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1663/QĐ-UBND (ngày 26/5/2021) của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025”, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2021, tỉnh đã tổ chức các buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh. Trong đó, lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe, chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương giải quyết nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực đất đai, đầu tư, GPMB, du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu. Đồng thời, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm "làm đúng, làm nhanh, làm tốt", nhất là thủ tục đầu tư về đất đai, quy hoạch, chủ trương đầu tư, bảo vệ môi trường, chuyển đổi đất lúa, đất rừng, xác định giá đất...; thúc đẩy thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Về phát triển nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng dân số, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2021 với 127 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước với gần 9.100 học viên, tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Đến nay đã và đang triển khai thực hiện mở được 16 lớp. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025; Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh...
Thúc đẩy phát triển KT-XH mạnh mẽ
Trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vẫn rất phức tạp, khó lường, có thể thấy, việc đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã, đang được đẩy nhanh tiến độ, trong trạng thái bình thường mới, giúp tỉnh nhanh chóng hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, các KKT, KCN... Điều này giúp tỉnh tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng vốn ngoài ngân sách thu hút trên địa bàn tỉnh đạt trên 276.000 tỷ đồng, gấp 5,1 lần kịch bản. Trong đó: Cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 24.133 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 32 dự án vốn trong nước, với tổng vốn đăng ký là gần 252.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã cấp và miễn 2.479 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ do dân làm chủ đầu tư, đạt 61,6% kịch bản với tổng vốn đạt 2.169 tỷ đồng.
Doanh nghiệp trong tỉnh cũng dần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, theo thống kê của Sở KH&ĐT, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.030 đơn vị thành lập mới, tăng 15% cùng kỳ năm 2020, tăng 2% so với kịch bản; 100 doanh nghiệp giải thể, giảm 40% cùng kỳ; 550 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 50% cùng kỳ. Lũy kế đến hết tháng 6/2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 18.200 với số vốn đăng ký 190.000 tỷ đồng.
Hay trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đã đem đến cho tỉnh nhiều thành công, được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Quảng Ninh đến thời điểm này là địa phương đầu tiên và duy nhất cùng lúc đứng đầu 4 chỉ số cải cách của quốc gia, đó là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính được đẩy mạnh với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh là 1.659/1.862 tổng số TTHC, đạt trên 89% (trong đó mức độ 3 đạt 30%, mức độ 4 đạt 59%); đã cung cấp 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 33,5%). Cùng với đó, bằng những giải pháp mang tính căn cơ, đường dài trong phát triển nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng dân số, Quảng Ninh cũng được các nhà đầu tư đánh giá là thị trường tiềm năng trong tương lai trong việc cung ứng lao động theo yêu cầu, trong đó có lao động chất lượng cao vào làm việc tại các KCN, KKT.
Được biết, mặc dù là địa bàn chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn kiên định với mục tiêu phát triển KT-XH năm 2021. Trong đó, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng cao, GRDP đạt 2 con số, thu ngân sách Nhà nước không thấp hơn 51.000 tỷ đồng.
Chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, trong 6 tháng cuối năm cần tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn với những biện pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt để đảm bảo địa bàn an toàn, phục vụ cho phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, coi đây là động lực để tạo đà phát triển KT-XH nhanh chóng, bền vững.
Theo chỉ đạọ của tỉnh, trong những tháng cuối năm 2021, các sở, ngành, địa phương tiếp tục vào cuộc đẩy nhanh tiến độ, dự án các công trình, nhất là công trình động lực, trọng điểm của tỉnh dự kiến hoàn thành năm 2021 phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; thúc đẩy hoàn thiện công tác chuẩn bị để triển khai khởi công các dự án mới; tích cực giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến ngày 30/9 đạt 100% kế hoạch. Song song với đó, tập trung thu hút, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các KCN; rà soát, bổ sung quy hoạch một số KCN, cụm công nghiệp mới, có lợi thế cạnh tranh tại Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả... Qua đó, đảm bảo phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và xã hội để thu hút đầu tư các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh. Tiếp tục vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dưới nhiều hình thức.
Trong cải cách hành chính, phấn đấu hết năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số toàn diện trong các cơ quan hành chính các cấp, cắt giảm tối đa các cuộc họp, tăng cường xử lý trên môi trường mạng... Trong khâu đột phá về nguồn nhân lực, cùng với việc chỉ đạo cơ quan tham mưu tiếp tục hoàn thiện các đề án phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài. Trong đó có việc cụ thể hóa Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/1/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Cùng với đó, phát huy hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số; đa dạng các giải pháp chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn...
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()