Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:09 (GMT +7)
Quảng Ninh với mục tiêu phát triển xanh
Thứ 3, 26/09/2023 | 08:35:15 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là địa phương có địa chiến lược quan trọng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng phải đối diện với nhiều thách thức về môi trường. Do đó, công tác bảo vệ môi trường luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt bằng nhiều cơ chế, chính sách, văn bản. Qua đó, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về bảo vệ môi trường đã có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Nhiều mô hình hiệu quả
Cùng với việc thực hiện các giải pháp gắn liền sản xuất với bảo vệ môi trường, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã triển khai chương trình Vracbank "Gửi rác - Rút tiền" từ tháng 4/2022. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước được Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh triển khai thí điểm đặt tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch (phường Phương Nam, TP Uông Bí). Cán bộ, nhân viên và người dân sẽ mang rác tới Vracbank để đổi lấy tiền.
Toàn bộ lượng rác thải thu gom là nguồn nguyên liệu đầu vào để công ty hiện thực hóa ý tưởng đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất bao bì đựng xi măng, sản xuất giấy kraft dùng trong bao bì xi măng. Mô hình đã thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, nhân viên, người dân tại 10/10 phường trên địa bàn TP Uông Bí. Tổng khối lượng rác thu nhận được trong năm 2022 là trên 358 tấn, tương ứng khoảng 683 triệu đồng.
Đến nay, chương trình đã thực sự trở thành hoạt động nổi bật, ý nghĩa, hiệu quả trong việc phân loại rác, tái chế, tái sử dụng rác thải, biến rác thải thành tiền. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, chương trình đã thu gom được trên 98,5 tấn rác thải, tương ứng hơn 378 triệu đồng.
Đặc biệt, đầu tháng 9/2023, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP Hạ Long, Trường Đại học Hạ Long tổ chức tuyên truyền về mô hình Vracbank đến người dân trên địa bàn TP Hạ Long, nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn.
Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cho biết: Thời gian tới công ty sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, xây dựng 1.000 điểm thu gom rác trong khu vực TP Uông Bí và các vùng lân cận; mở rộng, đa dạng chủng loại rác thải thu gom; nâng cao năng lực xử lý rác. Đồng thời, xây dựng đơn giá thu gom theo thị trường để tăng hiệu quả. Từ đó dần hình thành ý thức phân loại, thu gom rác, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Cùng với mô hình thu gom rác của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, nhiều hoạt động thiết thực, nhiều phong trào, mô hình tiêu biểu khác cũng được các tổ chức, địa phương trong tỉnh thực hiện, duy trì và nhân rộng. Điển hình như mô hình đan làn đi chợ của Chi hội Phụ nữ khu 10 (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). Từ cuối năm 2022, phụ nữ khu 10 thường xuyên thu gom dây buộc gạch ở các công trình xây dựng về làm sạch, uốn thẳng, rồi đan thành những chiếc làn xinh xắn, nhiều màu sắc, sử dụng đựng đồ, đi chơi, đi chợ, góp phần hạn chế việc sử dụng túi nilon.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 10, chia sẻ: Chị em phụ nữ trong khu rất tích cực tham gia mô hình đan làn đi chợ. Chính vì vậy, đến nay chúng tôi đã làm ra những chiếc làn khá đẹp, thời trang, được nhiều người yêu thích. Sản phẩm làm ra được Hội LHPN phường hỗ trợ tiêu thụ bằng nhiều kênh bán hàng như qua mạng xã hội facebook, hội chợ, triển lãm... Số tiền thu được từ việc bán làn, chúng tôi sử dụng để hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, qua đó, không chỉ góp phần giảm rác thải nhựa, đem lại môi trường xanh, mà còn giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn.
Tham gia bảo vệ môi trường, hội viên Chi hội Phụ nữ khu 2B (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) lại chọn cách làm khác. Mỗi khi rảnh rỗi, hội viên phụ nữ trên địa bàn khu lại tập trung tại nhà văn hóa vệ sinh, làm sạch, cắt tỉa những chai nhựa đã được thu gom. Những chiếc chai nhựa đựng nước giặt, nước rửa bát, nước xả vải... sau khi được vệ sinh sạch sẽ, cắt tỉa khéo léo thành những chậu hoa xinh xắn phục vụ cho việc trồng hoa dọc các tuyến phố, hoặc trao tặng cho các trường mầm non trên địa bàn phường.
Bà Phạm Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 2B cho biết: Chai nhựa đựng nước giặt, nước rửa bát, nước xả vải... có độ bền cao, rất thích hợp để làm chậu hoa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình để làm các sản phẩm tặng các trường học, từ đó lan tỏa tinh thần sống xanh, giáo dục việc bảo vệ môi trường cho học sinh, nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Kiểm soát chặt chẽ
TP Cẩm Phả là trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, những năm qua, việc di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư cũng là chủ trương được thành phố quyết liệt triển khai nhằm bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng cao của nhân dân.
Để di dời hơn 430 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị ra khỏi khu dân cư, TP Cẩm Phả đã đầu tư xây dựng CCN Cẩm Thịnh, quy mô 75ha. Công trình này được đưa vào sử dụng từ năm 2019 với tổng kinh phí đầu tư 739 tỷ đồng.
Nhằm thu hút các hộ kinh doanh tiểu thủ công nghiệp vào sản xuất tập trung tại CCN Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả đã đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác, qua đó kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, tạo sự đồng thuận của các chủ cơ sở tiểu thủ công nghiệp về chủ trương di dời đến nơi sản xuất tập trung.
Đến nay, TP Cẩm Phả đã di dời được 340/435 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Đạt trên 78% kế hoạch. Trong đó có 43 cơ sở đã vào CCN Cẩm Thịnh, 124 cơ sở chuyển đổi ngành nghề, 173 cơ sở chấm dứt hoạt dộng.
Quyết tâm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU (ngày 12/3/2018) về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022; Nghị quyết 16-NQ/TU (ngày 9/5/2019) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Song song với đó, UBND tỉnh cũng kịp thời chỉ đạo lực lượng chức năng làm việc với các đơn vị có sự phản ánh của người dân, cơ quan báo chí. Kiểm tra công tác cải tạo phục hồi môi trường đối với những dự án/cơ sở khai thác khoáng sản; phối hợp thực hiện các dự án bảo vệ môi trường bằng ngân sách cấp tỉnh như: Điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành nhiệt điện), một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp) và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế; xây dựng kế hoạch tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng 2030; điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh...
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh; các KCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT; 7 KCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; 4 CCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
Bên cạnh đó 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Riêng TP Hạ Long có một số khu đô thị mới, nước thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý cục bộ, sau đó đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố. Các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, hệ thống phun sương kiểm soát bụi, khí thải, để làm giảm tối đa lượng bụi phát tán vào môi trường.
Bên cạnh việc lắp đặt các trạm quan trắc, tỉnh cũng đã ban hành Quy chế quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động; chỉ đạo tổ chức chuyển tải liên tục, trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ TN&MT, UBND các địa phương; công khai thông tin môi trường cho người dân được biết, giám sát.
Việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn trên địa bàn tỉnh đã ngày được quan tâm. Hiện toàn tỉnh đã có 96 trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến; xây dựng trạm khí tượng hải văn Cửa Đối để phục vụ cho cảnh báo vùng Vân Đồn - Cô Tô, qua đó, chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, góp phần bảo vệ môi trường.
Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Trung Thành - Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()