Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 06:54 (GMT +7)
Quảng Ninh với mục tiêu trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc
Thứ 5, 17/08/2017 | 05:28:07 [GMT +7] A A
Xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua Quảng Ninh đã tập trung đầu tư hạ tầng, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh ngày 22-12-2016: “Đẩy mạnh liên kết phát triển, phấn đấu Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng”, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025” với mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.
Phát huy lợi thế, khắc phục điểm nghẽn
Với các lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư đồng bộ và hiện đại, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực phía Bắc về phát triển công nghiệp và dịch vụ. Tận dụng lợi thế đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn đã phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng.
Theo ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh, trong những năm qua, hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp. Các dịch vụ vận tải hàng hoá và hành khách, kho, bãi, xếp dỡ hàng hoá... liên tục phát triển đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hoá trong và ngoài nước. Theo đó cơ sở hạ tầng cho phát triển logistics cũng phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 16 điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm soát hàng hoá xuất khẩu; có trung tâm logistics Cái Lân - VOSA; Cảng cạn ICD Thành Đạt; Trung tâm Logistics thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, huyện Bình Liêu được phê duyệt quy hoạch với diện tích lập quy hoạch sử dụng đất 27,3ha; khu vực huyện Hải Hà... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh tại các KCN, KKT hiện đang có 43 dự án liên quan đến dịch vụ logistics đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để kinh doanh kho, bến, bãi, với tổng vốn đầu tư khoảng 9.597 tỷ đồng và 536 triệu USD, chủ yếu tập trung tại khu vực cửa khẩu Móng Cái và khu vực lân cận cảng Cái Lân.
Bốc xếp hàng hoá tại Cảng Cái Lân. Ảnh: Đỗ Phương |
Hạ tầng hệ thống cảng biển, bến cảng, cảng thuỷ nội địa cũng được đầu tư khá mạnh với 5 khu bến và bến cảng, bao gồm: Khu cảng bến Cái Lân; khu cảng bến Cẩm Phả; khu bến Yên Hưng; bến cảng Mũi Chùa, bến cảng Vạn Gia; 1 bến cảng Hải Hà đang xây dựng; 43 cảng thuỷ nội địa và 68 bến hàng hoá thuỷ nội địa; 19 kho ngoại quan và 27 đại lý hải quan hoạt động tại các cảng bến, khu vực cửa khẩu. Riêng về dịch vụ logistics hiện có 194 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bốc xếp hàng hoá, kho bãi và lưu giữ hàng hoá, 4.520 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ logistics liên quan đến vận tải...
Mặc dù điều kiện phát triển logistics trên địa bàn tỉnh đã có được những kết quả nhất định, tuy nhiên, để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics của khu vực vẫn cần khắc phục một số điểm nghẽn, bất cập như: Hạ tầng logistics chưa đồng bộ, việc kết nối giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển còn nhiều hạn chế. Đơn cử như tại cảng Cái Lân, tuy có vị trí quan trọng trong hệ thống cảng biển của tỉnh nhưng để phát huy tối ưu vai trò của cảng trong phát triển dịch vụ vận tải hàng hoá thì vẫn còn nhiều bất cập do chưa có sự kết nối giữa cảng với hệ thống đường sắt, đường bộ.
Hệ thống bến, bãi, các cảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, nhất là hạ tầng dịch vụ phụ trợ, kho, bãi. Điều này đã khiến một số doanh nghiệp rời bỏ làm thủ tục hàng hoá tại cảng Quảng Ninh chuyển sang các địa phương khác. (Từ năm 2016 một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã bỏ làm thủ tục tại cảng Cái Lân với lý do cảng chưa quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe chờ vào cảng làm hàng xuất nhập khẩu, gây khó khăn cho các phương tiện vào làm hàng). Bên cạnh đó, số lượng, quy mô, chất lượng dịch vụ
logistics của đa số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics mới chỉ đáp ứng được các dịch vụ logistics ở phương thức 1PL và 2PL, quy mô của doanh nghiệp dịch vụ logistics nhỏ, sức cạnh tranh yếu, sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp và các khâu trong chuỗi hoạt động dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, dịch vụ logistics vẫn chưa có những giải pháp trọn gói, thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng, thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics...
Trung tâm logistics khu vực phía Bắc
Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc, tỉnh đã đề ra chương trình hành động nhằm khắc phục những hạn chế với các mục tiêu như: Tập trung phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hoá, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của tỉnh để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 16-18% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đến năm 2025, hình thành các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh với tiêu chuẩn cung cấp các dịch vụ 3PL, 4PL, 5PL tại khu vực TP Hạ Long, khu vực Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Móng Cái...
Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.” (Trích Điều 23- Luật Thương mại) |
Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh đã xác định tập trung tháo gỡ những bất cập, thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, kết nối với các tỉnh phía Bắc, đầu tư hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong phát triển logistics trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với các nước trong khu vực tam giác phát triển, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh khu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng.
Theo đó tỉnh sẽ có 6 trung tâm logistics gồm: Trung tâm logistics Cái Lân (Hạ Long); Trung tâm logistics Vân Đồn, kết nối chuỗi cảng hàng không Vân Đồn - cảng Hòn Nét (TP Cẩm Phả); Trung tâm logistics Quảng Yên; Trung tâm logistics khu hợp tác kinh tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc); Trung tâm logistics Hải Hà; Trung tâm logistics Bình Liêu. Song song với đó là xây dựng các cơ chế, chính sách bao gồm: Các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics..., đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 16-18% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 6,0-7,0% GRDP; đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.
Đặng Nhung
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()