Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 04:06 (GMT +7)
Quảng Ninh với vai trò hạt nhân thúc đẩy liên kết vùng
Thứ 4, 27/01/2021 | 06:05:57 [GMT +7] A A
Thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, trong 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh không chỉ tập trung khai thác, phát huy tốt yếu tố nội lực mà còn tăng cường thúc đẩy, khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng. Đây là một trong những động lực quan trọng để tỉnh thực hiện mục tiêu là cực tăng trưởng phía Bắc Việt Nam, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế. Đồng thời, góp phần không nhỏ tạo sự phát triển bền vững, đúng định hướng của Chính phủ ở Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.
Nút giao Minh Khai giữa 2 tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn với QL18 đã cơ bản được hoàn thiện. |
Hợp tác, kết nối để cùng phát triển
Quảng Ninh cùng với TP Hải Phòng và Hà Nội được xác định là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; nằm trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với quốc tế. Chính vì vậy, ngay từ khi xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã xác định các mục tiêu, định hướng phải phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, khai thác lợi thế cạnh tranh của vùng trên tinh thần hợp tác và chia sẻ, tạo sức lan tỏa trong triển khai chủ trương liên kết phát triển kinh tế vùng của Chính Phủ.
Điển hình, từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh - Hải Phòng đã hợp tác, liên kết rất chặt chẽ thông qua các chương trình đánh giá phối hợp triển khai công tác phối hợp chung trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến những phối hợp mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong tương quan khu vực, quốc gia, như: Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đối với từng địa phương, góp phần tích cực phát triển KT-XH của từng địa phương và vùng; thống nhất kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về những vấn đề tương đồng giữa hai địa phương, đặc biệt trong kết nối hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Nút giao Hà An (TX Quảng Yên), cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Phương |
Từ sự phối hợp này, 2 địa phương đã hoàn thiện nhiều công trình, dự án lớn, tạo động lực trong phát triển KT-XH 2 địa phương cũng như tăng cường kết nối vùng. Nổi bật như: Công trình cầu Bạch Đằng, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Hải Phòng - Hạ Long. Công trình đã góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ; giảm tải lưu lượng cho QL18 và QL10. Trong phát triển du lịch, hai bên đã duy trì sự kết nối vùng du lịch thông qua tuyến phà Tuần Châu (Hạ Long) - Gia Luận (Cát Bà), góp phần phát triển du lịch Cát Bà và Hạ Long ngày càng sôi động. Các hoạt động hợp tác đã đem đến cho Quảng Ninh, Hải Phòng bước phát triển mới, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại. Minh chứng rõ nhất là thời gian qua, đây là 2 địa phương tạo được sức hút đầu tư mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ phát triển các dự án.
Liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông, thời gian qua, Quảng Ninh cùng các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa đã báo cáo, đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Tỉnh cũng tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước như Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nha Trang,… để thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Quảng Ninh đã ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín đối với Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh đạt 10,05%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2,35 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và đứng thứ hai Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (TP Hải Phòng). Qua đó, đóng góp cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh tăng 10,7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020, gấp 1,6 lần so với cả nước và gấp 1,4 lần so với các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương dự lễ thông xe cầu Triều và đường dẫn nối QL18 (TX Đông Triều, Quảng Ninh) với đường tỉnh 389 (TX Kinh Môn, Hải Dương), tháng 1/2020. Ảnh: Thu Chung |
Về quy mô nền kinh tế của Quảng Ninh đến năm 2020 khoảng 9,1 tỷ USD, tăng gấp 1,86 lần quy mô năm 2015, chiếm khoảng 3% tổng quy mô nền kinh tế của cả nước, chiếm khoảng 8,4% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng và chiếm 9,5% quy mô kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (đứng sau TP Hà Nội và TP Hải Phòng). Về thu ngân sách của tỉnh năm 2020 đóng góp khoảng 3,7% tổng thu NSNN cả nước, đóng góp 8,6% tổng thu NSNN của Vùng đồng bằng sông Hồng và chiếm 9,4% trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tính riêng về số thu nội địa, Quảng Ninh đóng góp 8,6% tổng thu ngân sách của Vùng đồng bằng sông Hồng và 9,1% Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (chỉ đứng sau Hà Nội).
Những đóng góp của Quảng Ninh cũng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo sự liên kết đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các địa phương.
Đẩy nhanh thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
Một trong 3 nội dung lớn được đặt ra trong thực hiện chủ đề công tác năm 2021 của Quảng Ninh chính là thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Theo đó, trong năm nay, tỉnh xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường, phát huy hiệu quả hơn nữa trong hoạt động giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy liên kết vùng.
Tỉnh Quảng Ninh và TP Đà Nẵng ký kết biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch, tháng 7/2020. Ảnh: Hoàng Quỳnh |
Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 21 diễn ra cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Cùng với nhiệm vụ giữ địa bàn an toàn, năm 2021, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại và thúc đẩy liên kết vùng. Đặc biệt, tỉnh sẽ rất quyết liệt trong triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH địa phương và thúc đẩy liên kết vùng.
Được biết, năm 2021, tỉnh đã đặt mốc thời gian rất cụ thể đối với tiến độ các dự án, công trình, dự án trọng điểm, nhất là đối với các công trình, dự án giao thông, kết nối nội tỉnh, liên vùng. Điển hình là phấn đấu hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục 1,3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)… Sớm đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao ven sông từ Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều; nghiên cứu quy hoạch tuyến đường kết nối từ Cầu Cửa Lục 2 đến Đồng Sơn, Kỳ Thượng (TP Hạ Long) đến QL 4B; kêu gọi, thu hút đầu tư Cảng Con Ong – Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh,…
Cùng với đó, tỉnh tăng cường các nội dung hợp tác với các địa phương trong cả nước, như: Tiếp tục nội dung hợp tác với TP Hải Phòng trong triển khai các nội dung phối hợp về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực vận tải khách đường bộ; Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của phương tiện vận chuyển hành khách, khách du lịch trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng).
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Cửa Lục 1. |
Nhằm thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, năm 2021, tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng. Triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác du lịch như: Liên kết, hợp tác phát triển du lịch với TP Hà Nội và TP Hải Phòng; Triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch đã ký kết giữa tỉnh Quảng Ninh với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc; tỉnh Quảng Ninh với TP Đà Nẵng. Hoàn thiện xây dựng Hồ sơ đề cử di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, trình UNESCO công nhận.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương. Thường xuyên cung cấp các thông tin về sản phẩm nông nghiệp an toàn, đặc sản vùng miền, cơ sở sản xuất tiêu biểu, doanh nghiệp phân phối uy tín của mỗi địa phương; Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Nâng cao trách nhiệm công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở nơi giáp ranh (Lạng Sơn, Bắc Giang). Cùng với đó, liên kết, phối hợp kết nối với một số các địa phương lân cận (như Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng...) để thu hút, tuyển dụng lao động tỉnh ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Về hợp tác quốc tế, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện triển khai hợp tác với các đối tác truyền thống (Trung Quốc, Lào), phát triển quan hệ đối tác mới, đối tác tiềm năng; tìm kiếm và thiết lập quan hệ hợp tác cấp tỉnh với các địa phương có thế mạnh tương đồng thuộc khu vực ASEAN, một số đối tác tiềm năng tại Đông Bắc Á, Châu Âu; đẩy mạnh việc mở rộng, thiết lập quan hệ với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc để thúc đẩy đầu tư, kết nối hàng không, thiết lập các tuyến du lịch….
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()