Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 29/01/2025 05:57 (GMT +7)
Quảng Yên bảo vệ môi trường biển sau bão
Thứ 2, 28/10/2024 | 13:59:28 [GMT +7] A A
Bão số 3 (Yagi) khiến toàn bộ khu vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn TX Quảng Yên bị “xóa sổ". Khối lượng lớn bè, mảng, phao xốp bị bão đánh vỡ tan, trôi nổi phủ kín mặt biển, gây nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hoàng Tân có số lượng hộ NTTS nhiều nhất thị xã, nên sau bão có lượng rác thải trôi nổi trên biển nhiều nhất cần phải xử lý. Theo số liệu thống kê của xã có khoảng trên 1.600 bè, mảng bị nát vụn, trôi dạt vào. Ngay sau bão, xã đã triển khai đợt cao điểm ra quân thu gom, xử lý bè, mảng, phao xốp trôi dạt trên mặt biển. Đến nay, xã chỉ thu gom được khoảng 10-20%. Lượng rác thải trôi nổi ở vùng biển địa phương quản lý vẫn còn quá lớn. Công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.
Ông Ngô Doãn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Bè, mảng NTTS to, cồng kềnh. Quá trình xử lý, các lực lượng phải sử dụng tàu, xuồng tiến hành lai, dắt về bờ tập kết, mất nhiều thời gian, công sức. Lượng tàu, xuồng của nhân dân bị đắm nhiều, nên phương tiện để huy động tham gia dọn dẹp rất ít, khiến thời gian thực hiện bị kéo dài. Hiện định kỳ thứ 7, chủ nhật hằng tuần, xã duy trì tổ công tác tiếp tục thu gom, tập kết lên bờ chờ xử lý”.
Tuy không có khu vực NTTS, song từ sau bão đến nay trên địa bàn phường Yên Giang cũng xuất hiện lượng lớn bè, mảng, phao xốp trôi dạt vào. “Đến nay, các lực lượng đã thu gom được trên 40 tấn rác thải, tập kết lên bờ chờ xử lý. Một số bè, mảng được người dân tận dụng lại sử dụng trong trồng rau màu, còn lại phường tiến hành đốt. Đối với phao xốp, phường đang tập kết lại, chờ cơ quan chức năng có phương án xử lý”, bà Đào Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường, chia sẻ.
Do hậu quả bão số 3, gần như toàn bộ lồng, bè NTTS trên biển bị phá hủy, trôi dạt vào các tuyến sông, biển trên địa bàn thị xã với khối lượng cần thu gom trên 10.000 tấn. Thực trạng này không chỉ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng giao thông đường thủy, cản trở quá trình tái sản xuất của người dân. Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm thu gom, xử lý rác thải trên sông, biển, trôi dạt vào bờ, rừng ngập mặn, chân núi đá… UBND các phường, xã có tuyến sông, biển thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể; huy động lực lượng, phương tiện tổ chức ra quân thu gom, xử lý rác thải trên biển. Các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân, các hộ NTTS thu gom, tập kết các lồng, bè, phao nhựa để xem xét sử dụng hợp lý hoặc có phương án vận chuyển, xử lý khi không còn khả năng tái sử dụng.
Việc trục vớt, thu gom các bè mảng, phao xốp, rác thải trôi dạt trên sông, biển đòi hỏi nhân lực lớn, con người thông thạo nghề sông nước, phương tiện máy cẩu, máy xúc, tàu thuyền. Quá trình tiếp cận, trục vớt, kéo bè mảng, phao xốp còn phụ thuộc vào thủy triều, gây nên nhiều khó khăn. Đến hết tháng 9/2024, 14/19 phường, xã đã huy động trên 3.700 lượt người ra quân đợt cao điểm; thu gom trên 1.700 tấn bè mảng, phao xốp vỡ hỏng, mảng tre, rác thải, quả phao nhựa HDPE, dây hàu hà…
Ông Phạm Tuấn Cường, Phó trưởng Phòng TN&MT thị xã, cho biết: Với lượng lớn rác thải, thị xã đang nỗ lực thu gom, tập kết, nghiên cứu phương án xử lý. Thị xã chỉ đạo các địa phương ưu tiên thu gom phao xốp trước, tránh để người dân tái sử dụng, khó quản lý trong chuyển đổi phao xốp sang phao chuẩn hợp quy. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân thu gom tre, tận dụng để sửa chữa bè nuôi, làm chất đốt và các công việc khác. Khối lượng còn lại tiếp tục thu gom về điểm tập kết chờ phương án xử lý.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()