Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 10:23 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 18, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023
Thứ 5, 10/11/2022 | 18:22:50 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 10/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội tiến hành biểu quyết đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua biểu quyết, 443/455 đại biểu Quốc hội tại hội trường tán thành thông qua Luật, chiếm 88,96%. Như vậy, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV. Trước đó, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật được tiến hành dân chủ, thận trọng và khẩn trương. Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, toàn diện để xây dựng dự án Luật.
Thảo luận tại hội trường về Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế, phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các nhóm chính sách, nhiều điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật như về phạm vi, đối tượng áp dụng, tên gọi của dự án Luật, cụ thể hóa hơn các chính sách trong Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương, rà soát để thống nhất với các luật có liên quan như quy định về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; quy định về tổ hợp tác, việc thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã; về mô hình tổ chức quản trị; quyền và nghĩa vụ của từng loại thành viên; trích lập các quỹ; chế độ kế toán và kiểm toán; quy định về quản lý nhà nước…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Qua biểu quyết, 465/466 đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 93,37%.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tổng quát của năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Cùng với đó, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%...
Thảo luận tại hội trường về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập, sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử; phù hợp với các cam kết quốc tế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến và các nhóm chính sách, nhiều điều khoản cụ thể như phạm vi, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, mối quan hệ và tính thống nhất với các luật liên quan, tính khả thi của một số điều khoản; nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, chính sách của Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch từ xa, bán hàng đa cấp, giao dịch điện tử, mô hình kinh doanh mới, kinh doanh nội dung số…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội được tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Nguyễn Thanh
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
- Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành cao
- Thông cáo báo chí số 17 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Thư ký Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Cuba
- Thông cáo báo chí số 16 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Liên kết website
Ý kiến ()