Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:31 (GMT +7)
Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 10 dự án luật tại Kỳ họp thứ 7
Thứ 3, 26/03/2024 | 10:51:28 [GMT +7] A A
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác, chưa kể một số lượng khá lớn các dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ đang đề xuất.
Sáng 26/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Cùng dự phiên khai mạc có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các ban, bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách…
Nội dung hội nghị nhằm thảo luận, cho ý kiến về 8 dự án luật, gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức được nhiều buổi hội thảo tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý các dự thảo luật này.
Cả 8 dự án luật đều đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong các phiên họp thường kỳ tháng 2 và tháng 3/2024 trên cơ sở bám sát các nhóm chính sách lớn, các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo khi xây dựng dự án luật. Nếu so tiến độ, quá trình chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sớm hơn so với các kỳ họp trước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án luật lần này đã được chỉnh lý tương đối toàn diện, Thường vụ Quốc hội nhận thấy các dự án đều đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua.
Để hội nghị đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chú ý một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, về cơ sở chính trị, xem xét liệu dự thảo các dự án luật cho đến nay có quán triệt đầy đủ và thể chế hóa một cách nghiêm túc cũng như xác đúng các chủ trương của Đảng ta đối với từng vấn đề hay không. Cùng với đó, cần rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như bảo đảm phù hợp với các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, rà soát xem các nội dung dự án luật cho đến nay đã bám sát những chính sách lớn đặt ra khi xây dựng luật hay chưa. “Nội dung nào là mới, và những vấn đề bổ sung có khác hơn, nhiều hơn so với những chính sách cũ thì đã tuân thủ đầy đủ các quy định về xây dựng pháp luật, nhất là quy trình đánh giá những tác động của chính sách mới đề xuất bổ sung, sửa đổi hay không”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung cho ý kiến đối với những vấn đề lớn đến nay vẫn còn ý kiến hoặc phương án khác nhau; đồng thời rà soát những vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp.
Trong quá trình xây dựng dự thảo các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục quán triệt nguyên tắc: đối với những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, có sự đồng thuận, thống nhất cao thì quy định vào trong luật; những vấn đề chưa chín, chưa đủ rõ, còn có ý kiến quá khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu. Còn những vấn đề thực sự cấp bách nhưng chưa có sự thống nhất cao, nhưng đã có kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì nghiên cứu để có những bước đi phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 10 dự án luật, trong đó có một dự án luật Chính phủ hiện chưa kịp trình, còn một dự án luật đang xin rút ra để xin ý kiến sau. Ngoài ra còn cho ý kiến thêm 10 dự án luật khác, chưa kể một số lượng khá lớn các dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ đang đề xuất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo các cơ quan rà soát lại để phân kỳ những nội dung cấp bách, đã chuẩn bị kỹ lưỡng thì đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 7; những gì chưa chín, chưa đủ rõ, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng có thể lùi sang Kỳ họp thứ 8 hoặc chậm lại.
Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Kỳ họp thứ 7 lần này rất nặng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cho Quốc hội nói chung trong công tác lập pháp tại kỳ họp tới. Do đó, đề nghị các đại biểu quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giá trị để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu để có dự thảo chất lượng tốt nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()