Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:02 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi)
Thứ 3, 25/10/2022 | 17:38:20 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tại phiên làm việc sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội kỳ họp này.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã phân tích sâu sắc, góp ý làm rõ thêm nhiều nội dung cụ thể. Trong đó các ý kiến tập trung vào nội dung: Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, sự phù hợp của tổ chức, của hoạt động của hệ thống thanh tra với yêu cầu thực tiễn đổi mới và đáp ứng tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật; đồng bộ giữa hoạt động, các hoạt động thanh tra với nhau và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán và các hoạt động quản lý nhà nước khác…
Cho ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật. Đại biểu cho rằng dự thảo luật lần này đã tương đối hoàn chỉnh, giải quyết được nhiều vấn đề bất cập, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động thanh tra.
Về quy định đối với thanh tra viên, tại Chương 3 của dự thảo luật đã quy định cụ thể một số nội dung, các nội dung còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Đại biểu nêu rõ, cách thể hiện như vậy chưa đảm bảo tính bao quát của văn bản luật, có nguy cơ bỏ trống một số nội dung cần được quy định cụ thể như: Yêu cầu về nhiệm vụ, trình độ, thâm niên công tác, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm. Qua đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật tiếp tục rà soát, bổ sung quy định cụ thể hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị lược bỏ Điều 100 của dự thảo luật quy định về giá trị của kết luận thanh tra, vì nội dung kết luận thanh tra là cơ sở pháp lý để thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xử lý và chỉ đạo tổ chức thực hiện những nội dung đã nêu trong kết luận thanh tra. Những nội dung này đã được thể hiện đầy đủ, cụ thể tại Điều 101, 102, 103 quy định về trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, nên quy định tại Điều 100 là không cần thiết. Ngoài ra, đại biểu tán thành việc thành lập cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ theo ngành dọc, đóng tại các địa phương.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.
Tại phiên làm việc chiều, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đã đánh giá cao công tác chuẩn bị, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến hoàn thiện dự thảo luật. Trong đó tập trung vào một số nội dung: Chính sách của Nhà nước về dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí và chính sách khai thác tài nguyên trong các mỏ tận thu; điều kiện, nội dung tổ chức thực hiện điều tra cơ bản dầu khí và các quyền, nghĩa vụ tổ chức thực hiên điều tra dầu khí; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; quản lý nhà nước và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí…
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện báo cáo giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()