Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:47 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023
Thứ 3, 21/11/2023 | 18:16:43 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Quốc hội nghe báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện KSNDTC; báo cáo công tác của TANDTC năm 2023; báo cáo về công tác thi hành án năm 2023; báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023; báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với các báo cáo của các cơ quan và các báo cáo thẩm tra. Các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng, có đổi mới, bám sát tình hình thực tế, thể hiện kết quả đạt được trên tất cả các mặt công tác trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Điều đó phản ánh sự cố gắng, nỗ lực lớn của các ngành, các lực lượng, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Kết quả công tác đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để, một số bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định. Chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn có nội dung sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức thực hiện đồng bộ biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, các đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong việc công khai minh bạch, kịp thời sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, kiểm soát tài sản thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác…
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan có liên quan, nghiên cứu xây dựng phần nội dung về công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, đề nghị Quốc hội ghi vào Nghị quyết chung của Kỳ họp, tập trung vào các giải pháp để xử lý kiến nghị của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để nâng cao hiệu quả, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()