Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:07 (GMT +7)
Quốc hội thảo luận việc sử dụng vốn TPCP
Thứ 7, 08/06/2013 | 06:55:34 [GMT +7] A A
Ngày 7/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Có 40 đại biểu đăng ký phát biểu tại Hội trường, trong đó có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, 4 Bộ trưởng và 1 Thứ trưởng đã báo cáo tiếp thu, giải trình trực tiếp tại Hội trường.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổng kết những vấn đề chính mà đại biểu tham gia góp ý.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng quyết định về chủ trương phát hành TPCP đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006-2012 là cần thiết, nhằm góp phần quan trọng xây dựng kết cấu hạ tầng nền kinh tế, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Nhiều công trình quan trọng về giáo dục-đào tạo, y tế được đầu tư xây dựng và nâng cấp trong thời gian qua.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiều đại biểu cũng đã góp ý những nội dung cụ thể có liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc thực hành vốn TPCP như vấn đề tăng danh mục dự án, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của hầu hết các dự án. Một số đại biểu cho rằng việc tăng này là do cơ chế quản lý vốn, công tác chuẩn bị đầu tư thời gian ngắn, gấp gáp, cơ chế cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc phân bổ đầu tư từ nguồn vốn TPCP còn dàn trải, bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án tăng nhanh dẫn đến thiếu vốn...
Nhiều dự án đang triển khai bị cắt, giảm, hoãn tiến độ dẫn đến lãng phí nguồn lực. Đối với các dự án cắt giảm, giãn, hoãn... các đại biểu cho rằng cần xem xét trên hai phương diện. Thứ nhất là việc đưa vào danh mục đầu tư các dự án này đã bảo đảm tính cấp bách, cần thiết hay chưa? Nếu chưa thì trách nhiệm thuộc về ai, cấp nào?
Thứ hai là cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, chưa có tiêu chí cụ thể làm căn cứ mà còn phân bổ theo dự án dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các vùng miền, giữa các địa phương, tạo ra cơ chế xin-cho.
Về tuân thủ các quy định của pháp luật, các đại biểu cho rằng cần xem xét lại tính khả thi của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vì các quy định về xử lý các sai phạm chưa được thực hiện nghiêm túc; cần cụ thể hóa trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của địa phương trong việc quy hoạch, phân bổ, phân cấp đầu tư, quản lý vốn TPCP; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng thẩm tra, giám sát và quyết định chủ trương đầu tư theo đề nghị của Chính phủ.
Đối với các công trình còn thiếu vốn, một số ý kiến kiến nghị trước mắt cần phân bổ vốn dự phòng cho các công trình quan trọng thiếu vốn. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay để đạt được mục tiêu cần thiết phải vừa chống lãng phí vừa hoàn thành các dự án dở dang, tăng đầu tư, kích thích sản xuất. Vì vậy, cần thiết phát hành thêm vốn TPCP để giải quyết số vốn còn thiếu của các dự án đang triển khai và dự án phải đình hoãn... Một số đại biểu đề nghị đưa vốn TPCP vào cân đối ngân sách Nhà nước.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến của đại biểu và báo cáo kết quả giam sát, ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu và đưa vào dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến đại biểu và xem xét thông qua.
Theo chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()