Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:02 (GMT +7)
Quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu
Thứ 3, 17/06/2008 | 01:48:15 [GMT +7] A A
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu trên các khu vực biên giới trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ qua biên giới Việt Nam với các nước láng giềng đạt 42 - 43 tỷ USD.
Trong đề án, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (cùng với Lào Cai và Lạng Sơn) được ưu tiên phát triển vì đây được xác định là “đầu mối hành lang kinh tế liên vùng, quốc tế”. Ngoài Móng Cái, các khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn của Quảng Ninh cũng được xác định tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Đối với các khu kinh tế cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc, sẽ được xây dựng và phát triển trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng trung du và miền núi phía Bắc, đầu mối của hành lang kinh tế Hà Nội - Móng Cái - Phòng Thành; Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh và Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển trong quy hoạch phát triển quốc tế “hai hành lang, một vành đai”. Phát triển các khu kinh tế cửa khẩu gắn với việc hình thành hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn biên giới và gắn với bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung. Phát triển kinh tế ở các khu kinh tế cửa khẩu phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh biên giới trên cơ sở giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân.
Về cơ chế chính sách đối với các khu kinh tế cửa khẩu sẽ được Chính phủ ban hành và có sự thống nhất chung trong cả nước theo Nghị định về khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó có những cơ chế chính sách xuất, nhập khẩu và xuất, nhập cảnh, cơ chế quản lý của các khu kinh tế cửa khẩu.
Hiệu quả từ những cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu mà kinh tế - xã hội của các địa phương miền Đông của tỉnh phát triển nhanh chóng, biểu hiện rõ nhất là hệ thống giao thông, bộ mặt đô thị. Các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh thực sự trở thành những đầu mối, trung tâm giao thương với Trung Quốc. Không chỉ có các khu kinh tế cửa khẩu mà trong tương lai Quảng Ninh còn có “thành phố cửa khẩu quốc tế quan trọng” là Móng Cái, theo Nghị quyết 54/NQ-TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị.
Phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu là những lợi thế vượt trội của tỉnh Quảng Ninh chúng ta.
Liên kết website
Ý kiến ()