Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:19 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả quản lý chợ truyền thống
Thứ 3, 30/08/2022 | 13:49:27 [GMT +7] A A
Để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, khách du lịch, công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng, sửa chữa lại các chợ trên địa bàn tỉnh đã và đang được các ngành chức năng, địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 133 chợ, bao gồm: 22 chợ hạng I, 23 chợ hạng II và 88 chợ hạng III. Tổng số lao động tại các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn tỉnh là 1.014 người. Trong đó, có 87 chợ do nhà nước quản lý, 46 chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, nhờ đó đến nay công tác xã hội hoá đầu tư, xây dựng, quản lý chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện đã có 23 doanh nghiệp, 5 HTX đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác chợ. Hiện đã có 46 chợ được đầu tư, xây dựng, chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, HTX đã đi vào hoạt động (TP Hạ Long 17 chợ; TP Móng Cái 3 chợ; TP Cẩm Phả 3 chợ; TP Uông Bí 3 chợ; TX Quảng Yên 8 chợ; TX Đông Triều 8 chợ; huyện Tiên Yên 3 chợ; huyện Hải Hà 1 chợ).
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, tại một số chợ các hoạt động khai thác, kinh doanh vẫn gặp phải những khó khăn và hạn chế nhất định. Đó là công tác đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; vệ sinh môi trường; việc chuyển đổi công năng đối với một số chợ hoạt động không hiệu quả; công tác xử lý, dẹp bỏ đối với các chợ tạm, chợ tự phát còn hạn chế; xử lý đối với các hộ kinh doanh sinh sống trong phạm vi chợ và việc xây dựng văn minh thương mại tại chợ có nơi, có chỗ còn chưa được quyết liệt, đồng bộ, dứt điểm. Nhiều nơi cũng chưa phát huy được tính chủ động của địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng và chuyển đổi mô hình quản lý chợ... Cùng với đó, hiện nay so với sự phát triển đi lên của các loại hình kinh doanh như: Bán hàng online, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại cũng có tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TX Đông Triều: Hiện trên địa bàn thị xã có 18 chợ đang hoạt động, trong đó có 2 chợ loại I, 2 chợ loại II, 15 chợ loại III. Hằng năm, các ban quản lý chợ đều đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo công tác quản lý tại chợ. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động tại chợ trên địa bàn vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Ngoài một số chợ đã được chuyển đổi sang doanh nghiệp đầu tư, quản lý thì phần lớn các chợ trên địa bàn là chợ nông thôn cơ sở hạ tầng xuống cấp, cần được cải tạo. Việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do vốn ban đầu lớn, việc thu hồi vốn chậm, các chợ chủ yếu ở khu vực xa trung tâm, dân cư thưa. Cùng với đó, kinh phí duy trì cho ban quản lý chợ cũng còn eo hẹp và nhiều hình thức kinh doanh bán lẻ mới đã phát triển mạnh mẽ cũng phần nào làm ảnh hưởng tới sự phát triển, kinh doanh tại các chợ truyền thống.
Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế và cụ thể hóa các quy định của pháp luật về phát triển và quản lý chợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có cơ sở pháp lý tham gia hoạt động kinh doanh ở các chợ trên địa bàn tỉnh và tăng cường công tác quản lý, tăng tính chủ động của các địa phương, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng dự thảo quy định về phát triển và quản lý chợ trình UBND tỉnh xem xét để ban hành.
Mới đây, tại cuộc họp nghe và cho ý kiến về công tác xây dựng, quy hoạch và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành cần phải vào cuộc mạnh mẽ để đẩy mạnh việc xây dựng, quy hoạch các chợ trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, phát triển hệ thống chợ của tỉnh; xây dựng kế hoạch khảo sát thực tế tại các chợ trong nước và nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Công Thương tổ chức khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến việc quy hoạch chợ tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định quản lý chợ đúng pháp luật, hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu thêm việc đầu tư, phát triển mô hình chợ biên giới tại Hải Hà, Bình Liêu để tránh lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế biên mậu, giao thương. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính rà soát lại các chợ đầu tư công theo nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện xây dựng theo đúng quy phạm pháp luật. Qua đó, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện và phát huy hiệu quả các chợ trong thời gian tới.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()