Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:35 (GMT +7)
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh: Định vị không gian phát triển bền vững
Thứ 6, 14/03/2014 | 09:55:36 [GMT +7] A A
Song cùng với việc hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được triển khai lập vừa nhằm cụ thể hoá các ý tưởng mà Quy hoạch tổng thể đặt ra vừa định vị không gian phát triển hạ tầng, kỹ thuật. Mục tiêu lớn mà Quảng Ninh mong muốn đạt được, đó là xây dựng hệ thống đô thị trở thành một vùng đô thị hiện đại, sinh thái, có bước phát triển đột phá và bền vững trên nền tảng kinh tế tri thức, có khả năng cạnh tranh cao, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai - địa hình - cảnh quan.
Một góc cầu cảng Cái Rồng (Vân Đồn). Ảnh: Đỗ Giang |
Đô thị tầm vóc
Đặt trong sự phát triển liên kết vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế, hệ thống đô thị của Quảng Ninh sẽ gắn kết chặt chẽ và hài hoà với vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Duyên Hải Bắc Bộ, Vùng biên giới Việt - Trung, Khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung. Theo mục tiêu này đến năm 2030, vùng đô thị Quảng Ninh gồm 14 đô thị, 4 khu kinh tế, 14 đô thị mới và 83 điểm dân cư nông thôn. Đến năm 2050, Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Theo quy hoạch sẽ phát triển vùng đô thị Hạ Long là vùng trung tâm gắn kết 4 tiểu vùng tạo thành các vùng đô thị vệ tinh, phát triển 2 vành đai xuyên suốt từ Tây sang Đông là vành đai công nghiệp - đô thị và vành đai cảnh quan, du lịch biển. Với đặc trưng riêng của vùng đất hội tụ cả các yếu tố về tài nguyên thiên nhiên và các trầm tích văn hoá, nên quy hoạch đã đặt vấn đề phát triển 2 phân khu, trong đó phân khu rừng và phân khu biển đảo.
Trên cơ sở định hướng phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”, tiểu vùng trung tâm hạt nhân của tỉnh (Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ) là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả tỉnh, đầu mối giao thông quốc tế, quốc gia và khu vực, thế mạnh về công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, xi măng, cảng biển và công nghiệp hỗ trợ cảng biển, dịch vụ, du lịch biển. Tiểu vùng này sẽ được tăng cường liên kết kinh tế thông qua xây dựng QL18, đường cao tốc, monorail, đường thuỷ, hệ thống đường tuynel kết nối qua Vịnh Cửa Lục và đường hầm kết nối đường cao tốc với trung tâm TP Cẩm Phả... 4 tiểu vùng còn lại trên cơ sở đặc trưng định hình không gian phát triển tương xứng, trong đó tiểu vùng các Khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà) là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và đầu mối hành lang kinh tế Việt - Trung. Tiểu vùng KKT Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô, là một trong những cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của Vùng Đông Bắc của đất nước, trong đó Vân Đồn là khu vực phát triển năng động, hiện đại, tạo hiệu ứng lan toả cho vùng và cả nước, trở thành thành phố biển quốc tế văn minh, hiện đại; trung tâm công nghệ giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp và cửa ngõ giao thương quốc tế… Tiểu vùng phía Tây (Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) là khu vực cửa ngõ của tỉnh, trung tâm phát triển công nghiệp khai thác than, công nghiệp điện, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp và du lịch văn hoá - lịch sử - tâm linh gắn với các khu di tích Yên Tử, Nhà Trần, Bạch Đằng. Tiểu vùng rừng núi phía Bắc (Ba Chẽ, Tiên Yên) là khu vực miền núi, đầu mối giao thông kết nối với Lạng Sơn.
Hạ tầng kỹ thuật hiện đại
Trên cơ sở nhận diện rõ phải có quy hoạch tốt để có nhà đầu tư tốt, có được những công trình tốt để phát triển, trong những năm gần đây hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang được định hướng phát triển bền vững. Với hệ thống hạ tầng giao thông được định hướng phát triển thành 2 hành lang giao thông chính, trong đó hành lang giao thông trục Đông - Tây, kết nối liên vùng, vận chuyển hàng hoá, hành khách liên tỉnh, hướng phát triển phù hợp với vị trí các cảng biển, sân bay, bến tàu khách, kết nối thuận tiện với giao thông nội tỉnh thông qua hệ thống các công trình đầu mối, nút giao cắt hợp lý. Hành lang giao thông ven biển gồm hệ thống cảng, bến bãi, vận chuyển hàng hoá, hành khách quốc tế, bến thuyền phát triển dịch vụ du lịch biển.
Điều quan ngại nhất của các nhà đầu tư khi di chuyển đến Quảng Ninh sẽ sớm được giải từ hệ thống giao thông kết nối vùng được đầu tư xây dựng gồm: Các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái và tuyến Hải Phòng - Hạ Long, đường ven biển kết nối với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, các tuyến quốc lộ liên kết Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố khác. Sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại sẽ được đáp ứng với định hướng xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh là cảng hàng không nội địa có khả năng khai thác các chuyến bay quốc tế tại xã Đoàn Kết (Vân Đồn) với tổng diện tích đất dự kiến khoảng 150ha, nghiên cứu và phát triển các sân bay có quy mô nhỏ phục vụ du lịch tại huyện đảo Cô Tô, TP Móng Cái, TP Hạ Long và các đảo nhỏ khác thuộc Khu kinh tế Vân Đồn.
Trên cơ sở nhận diện rõ, các trung tâm đô thị hiện đại cần có hệ thống hạ tầng giao thông công cộng xứng tầm, nên trong định hướng phát triển sẽ xây dựng các tuyến xe bus đường dài nối các đô thị quan trọng trong tỉnh với các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt sẽ thiết kế các xe bus chạy thẳng từ sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Cát Bi, sân bay quốc tế Vân Đồn về các khu du lịch chủ đạo như Yên Tử, Bãi Cháy, Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các khách sạn. Trong tương lai sẽ phát triển hệ thống tàu điện một ray cho tuyến Quảng Yên - Cửa Ông, Cửa Ông - Vân Đồn, Quảng Yên - Uông Bí, Quảng Yên - Hải Phòng dựa trên khả năng phát triển của tuyến Quảng Yên - Cửa Ông.
Trong bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, việc định vị không gian phát triển không chỉ là đánh giá và nhận diện toàn diện lại bức tranh hiện trạng, các nguồn lực, thời cơ, thách thức trong công tác QHXD đô thị và hạ tầng... Mà đề ra các định hướng phát triển toàn diện cho tỉnh về phát triển đô thị, phát triển hạ tầng trong tương lai một cách bền vững và mong muốn có một Quy hoạch tốt - chất lượng cao, tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở đó sẽ tạo ra các dự án tốt, nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng lớn đầu tư phát triển.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()