Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 12:37 (GMT +7)
Quyền của phụ nữ
Chủ nhật, 10/03/2013 | 04:56:00 [GMT +7] A A
Một trong những quy định được đề cập trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ năm 1946 đến nay và về cơ bản, ít có sự thay đổi nhất; đó là quy định về quyền bình đẳng nam nữ. Tất nhiên, ở từng thời điểm, với điều kiện lịch sử khác nhau, nó được thể hiện thành các điều, khoản cụ thể khác nhau, nhưng tựu chung, đều khẳng định: Phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực và Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Đặc biệt hơn, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, khi đề cập đến quyền này, còn bổ sung, sửa đổi nhằm nhấn mạnh hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước: “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”. (khoản 2, điều 27 - Sửa đổi bổ sung điều 63 Hiến pháp 1992).
Nói như thế để thấy rằng quyền bình đẳng giới là một trong những điều luật cơ bản, nó thể hiện tính ưu việt, tiến bộ của chế độ ta, phù hợp với sự phát triển của xã hội và của thời đại; điều này thì ai cũng biết. Thế nhưng, trên thực tế không phải lúc nào cái quyền này của phụ nữ cũng được đảm bảo một cách đầy đủ, cả ở ngoài xã hội cũng như trong gia đình... Người phụ nữ vẫn chưa thực sự được “tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội...” như Hiến pháp quy định. Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do tâm lý “trọng nam, khinh nữ” lạc hậu tuy đã bị pháp luật và dư luận xã hội lên án, nhưng vẫn còn rơi rớt trong nhận thức của nhiều người. Điều này có thể dễ nhận thấy thông qua hiện tượng bạo hành gia đình đã và đang diễn ra không ít hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Nhưng còn những trường hợp khác nữa đôi khi rất khó nhận biết, bởi nó núp dưới nhiều lý do tưởng như “chính đáng”... Chẳng hạn như quan điểm cho rằng phụ nữ chỉ cần làm tốt cái “thiên chức” của mình nên không cần học nhiều, không cần tham gia hoạt động xã hội như nam giới mà chỉ cần lo phụng sự chồng con v.v.. và v.v.. Thực chất đây là những nhận thức lệch lạc, hạn chế về vai trò của người phụ nữ, vi phạm quyền bình đẳng nam nữ! Đã đành “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, sự phân công lao động trong mỗi “tế bào xã hội” là tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, không thể cứng nhắc áp đặt cho từng gia đình. Tuy nhiên, cho dù thế nào thì vẫn không được làm tổn hại đến quyền của người phụ nữ, không được hạn chế sự phát triển toàn diện của người phụ nữ. Muốn như thế, trước hết bản thân người phụ nữ cần ý thức một cách đầy đủ “quyền của mình”; trên cơ sở đó có thái độ ứng xử hợp lý nhất. Và tất nhiên, cùng với đó, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội, đặc biệt là các cấp Hội phụ nữ, để chị em có điều kiện nâng cao nhận thức, kiến thức cho mình trong cuộc sống. Có như vậy thì mới không tự biến mình thành nạn nhân của sự bất bình đẳng giới, mới có thể phát huy được vai trò của mình trong gia đình và trong xã hội...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()