Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:56 (GMT +7)
Quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về TTATGT liên quan đến thanh thiếu niên
Thứ 4, 27/09/2023 | 16:23:04 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TX Quảng Yên, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Nga chất vấn Giám đốc Công an tỉnh về tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tụ tập, điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.
Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh trả lời:
Trong 6 tháng đầu năm 2023 tình hình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên tăng cao. Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.117 trường hợp liên quan đến thanh thiếu niên vi phạm TTATGT (tăng 1.281 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022), phạt tiền 2.214.825.000 đồng; tước GPLX 8 trường hợp; tạm giữ 1.704 phương tiện; cảnh cáo 684 trường hợp.
Các lỗi chủ yếu vi phạm là không đội mũ bảo hiểm (1.344 trường hợp); không đủ tuổi điều khiển phương tiện (780 trường hợp); không gương chiếu hậu (853 trường hợp), không có GPLX (205 trường hợp), không mang đăng ký xe (1.153 trường hợp)... Đáng chú ý còn có các lỗi vi phạm như điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn (22 trường hợp), ma túy (1 trường hợp), độ pô (28 trường hợp), nẹt pô (2 trường hợp), lạng lách, đánh võng (16 trường hợp), không gắn BKS (58 trường hợp), thay đổi tính năng hệ thống giảm thanh (16 trường hợp); tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, tụ tập thành nhóm gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích với các nhóm ở địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh/thành phố lân cận (phát hiện xử lý 15 vụ, 119 đối tượng)...
Địa bàn thường xảy ra vi phạm là tại các tuyến đường mới xây dựng, tuyến nội thị Trung tâm Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Hải Hà, Cẩm Phả, Quảng Yên. Tình hình trên diễn ra được phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, gây mất ANTT, TTATGT trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân của tình trạng trên là:
Lứa tuổi người dưới 18 tuổi là lứa tuổi chưa có sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; có nhu cầu thể hiện “bản lĩnh”, “cái tôi” cao; Nền tảng kiến thức nói chung và kiến thức về xã hội còn hạn chế, chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức pháp luật dẫn đến việc thanh thiếu niên không nhận thức được hành vi hoặc không ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Về phía gia đình chưa có sự quan tâm đúng mức đối với thanh thiếu niên, buông lỏng trong việc quản lý, giáo dục, thậm chí còn dung túng, che giấu, tạo điều kiện cho con em mình thực hiện hành vi vi phạm (như mua phương tiện hoặc giao phương tiện của bản thân cho thanh thiếu niên sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX...); một số phụ huynh chưa chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT, chưa làm gương cho con em; điều đó đã tạo thói quen xấu cho con em mình, gây mất ATGT cho chính bản thân và cả những người tham gia giao thông khác.
Nhiều gia đình còn phó mặc việc giáo dục con cho giáo viên, nhà trường. Các chuẩn mực đạo đức, ứng xử trong gia đình không được giữ gìn và việc áp đặt cách giáo dục không phù hợp dẫn đến việc nhận thức, tư duy của thanh thiếu niên trong gia đình đi theo chiều hướng xấu.
Việc tổ chức quản lý, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường hiệu quả chưa cao, việc giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức dẫn đến việc học sinh chưa nhận thức được nhiều về pháp luật. Một số nhà trường chỉ quan tâm đến chuyên môn dạy học, chưa chú trọng đến giáo dục kiến thức pháp luật, trách nhiệm đối với xã hội, vì thành tích mà không xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm nên tính răn đe chưa cao.
Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên, còn mang tính hình thức và chưa có tính phòng ngừa.
Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định pháp luật đến học sinh, sinh viên tuy đã được triển khai nhưng chưa đạt hiệu quả; việc nhắc nhở, ký cam kết học sinh, sinh viên chấp hành Luật ATGT chưa quyết liệt; chưa kịp thời chấn chỉnh tình trạng học sinh, sinh viên khi đi học hoặc khi tan trường đi dàn hàng ngang, phóng nhanh, trêu đùa nhau.
Công tác quản lý Nhà nước đối với một số lĩnh vực như vũ khí, phương tiện có có dung tích dưới 50cc, các cơ sở “độ”, “chế ’’nâng cấp phương tiện còn nhiều bất cập...; chưa có biện pháp giải quyết tình trạng học sinh chưa đủ tuổi vẫn đi xe mô tô đến trường rồi chống đối bằng cách gửi phương tiện bên ngoài trường học.
Việc quản lý các thông tin đăng tải trên Internet còn hạn chế dẫn đến nhiều nguồn thông tin có nội dung xấu, đi ngược với thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực, tụ tập đua xe trái phép... được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến thanh thiếu niên.
Chế tài xử phạt vi phạm về TTATGT đối với thanh thiếu niên (nhất là đối với người chưa thành niên) còn nhẹ, nhiều đối tượng phạm tội nhưng chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự nên chỉ bị xử phạt hành chính do đó chưa đủ tính răn đe, giáo dục (Ví dụ như tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, chế tài xử phạt đối với hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính xe (độ pô, nâng công suất máy) chỉ phạt tiền từ 800.000đ đến 2.000.000đ).
Để giải quyết tình trạng trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về TTATGT liên quan đến thanh thiếu niên, nhất là tăng cường các giải pháp phòng ngừa tình trạng tụ tập phóng nhanh, đánh võng, gây rối TTCC ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, đặc biệt đã chủ động ban hành Kế hoạch số 807/KH-CAT-PV01, ngày 12/02/2023 về cao điểm thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng thanh thiếu niên, học sinh tụ tập sử dụng phương tiện phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu, đánh võng gây mất TTATGT, trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Đã chỉ đạo Công an các địa phương chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, phát huy vai trò, gắn trách nhiệm của các cơ quan chức năng, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo TTATGT nói chung và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên, học sinh tụ tập, sử dụng phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng gây mất TTATGT, TTXH nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Đã đăng tải 82 tin bài, phóng sự trên trang TTĐT Công an Quảng Ninh, Trung tâm Truyền thông tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng khác, 291 lượt phát thanh tại các phường, xã, thị trấn; tổ chức 56 buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Đề nghị 90 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức ký cam kết với 92.231 giáo viên, công nhân viên, học sinh sử dụng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện đến trường chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là không lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, tham gia đua xe trái phép hoặc tụ tập cổ vũ đua xe.
Gửi danh sách về cơ sở giáo dục, phối hợp với các đoàn thể, tổ dân khu phố tổ chức gọi hỏi, răn đe những trường hợp số học sinh đã bị xử lý vi phạm về TTATGT. Tiến hành rà soát, lập danh sách 170 đối tượng thanh thiếu niên hư đã bị xử lý hoặc có biểu hiện tụ tập thành nhóm điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, nẹt phô, đua xe trái phép; phân công, phân cấp, cảm hóa, giáo dục, răn đe và thông báo đến từng gia đình yêu cầu các đối tượng ký cam kết không thực hiện các hành vi vi phạm.
Tiến hành kiểm tra, rà soát 51 điểm trông, giữ xe tự phát xung quanh cơ sở giáo dục; 495 cơ sở sửa chữa, mô tô, xe máy để phát hiện, xử lý các phương tiện độ, chế pô, máy động cơ; đã tuyên truyền, vận động ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT.
Thường xuyên rà soát trên không gian mạng, kịp thời phát hiện hội nhóm, các đối tượng cầm đầu, lôi kéo tụ tập thành nhóm điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, nẹt phô, đua xe trái phép gây mất TTATGT, gây rối trật tự công cộng để thông báo cho các lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chặn và phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, các ngành có liên quan xử lý các website, trang mạng xã hội, blog... đăng tải các thông tin xấu, độc, kích động bạo lực, bàn luận, lôi kéo tụ tập đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu... (Qua công tác rà soát trên không gian mạng đã phát hiện 05 tin bài đăng tải).
Nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu lên sơ đồ các tuyến đường, địa điểm học sinh, sinh viên thường vi phạm TTATGT, nhất là các tuyến, địa bàn xảy ra tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, nẹt pô..., có dấu hiệu đua xe và tổ chức đua xe trái phép, các địa điểm thường xuyên tụ tập cổ vũ: Đoạn đường 10 làn xe từ ngã 3 Hùng Thắng đến nút giao Minh Khai trên tuyến Quốc lộ 18 đi qua các địa bàn, Tỉnh lộ (338, 331, 334), các tuyến đường đẹp của thành phố Hạ Long như đường Trần Quốc Nghiễn, bao biển Bãi Cháy; Bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... để xây dựng kế hoạch, phương án, bố trí lực lượng hóa trang, trinh sát, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thông báo cho lực lượng đang làm nhiệm vụ công khai tiến hành bắt giữ, xử lý. Những trường hợp cố tình bỏ chạy tiến hành tra cứu dữ liệu đăng ký xe để thông báo đến chủ phương tiện mời lên làm việc. Đối với những trường hợp là học sinh gửi thông báo đến nhà trường cùng phối hợp, quản lý.
Kết quả: Lực lượng Công an toàn tỉnh đã ngăn chặn, xử lý 15 vụ, 119 đối tượng tụ tập thành nhóm điều khiển xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng mang theo sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích tại Vân Đồn, Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả... Đã xử phạt vi phạm hành chính 39 đối tượng = 76 triệu đồng; khởi tố 2 vụ, 12 bị can (Móng Cái: 1 vụ 10 bị can ; Uông Bí 1 vụ 2 bị can); cảnh cáo 15 trường hợp, các trường hợp khác cho viết cam kết và áp dụng các biện pháp giáo dục; 3 vụ đang điều tra làm rõ.
Phương hướng trong thời gian tới:
Công an tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Kế hoạch 807 trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, dự báo tình hình để sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp, duy trì thực hiện nhằm giải quyết dứt điểm, bền vững tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh tụ tập sử dụng phương tiện phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Công an các địa phương ‘chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, phát huy vai trò, gắn trách nhiệm của các cơ quan chức năng, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo TTATGT nói chung và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên, học sinh tụ tập, sử dụng phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng gây mất TTATGT, TTXH trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức nắm tình hình về phương tiện, người tham gia giao thông, đặc biệt là các đối tượng thanh thiếu niên, HSSV có ý thức chưa tốt, thường xuyên vi phạm TTATGT để giáo dục, tuyên truyền; thông qua mạng xã hội, các nhóm chát kín, ứng dụng OTT, các kênh truyền thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống camera giám sát giao thông... để xác định thời gian, phương thức, thủ đoạn và lên sơ đồ các tuyến đường, địa điểm là nơi các đối tượng thanh thiếu niên, HSSV hư thường đua xe, tổ chức đua xe trái phép, phát hiện kịp thời các dấu hiệu tụ tập, cổ vũ, kích động, đua xe và thông báo cho các lực lượng có liên quan có biện pháp giải quyết ngay từ ban đầu, không để vụ việc xảy ra phức tạp.
Tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm TTATGT tại khu vực trường học theo thẩm quyền (thông tin kịp thời cho nhà trường về các trường hợp HSSV vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp).
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị trường học trong việc tuyên truyền, ký cam kết cho học sinh, sinh viên, nhất là số trường hợp các biểu hiện tụ tập thành nhóm điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, đua xe trái phép gây mất TTATGT, gây rối trật tự công cộng; các trường hợp bị xử lý trao đổi danh sách để tiếp tục phối hợp tăng cường các biện pháp giáo dục, quản lý học sinh.
Tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn, huấn luyện học sinh, học viên các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kết hợp với lồng ghép xây dựng ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông một cách thiết thực, hiệu quả. Xây dựng, nhân rộng các mô hình đảm bảo TTATGT khu vực trường học, trọng tâm là mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và đẩy mạnh Cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông” trên địa bàn toàn tỉnh
Thường xuyên rà soát trên không gian mạng, kịp thời phát hiện hội nhóm, các đối tượng cầm đầu, lôi kéo tụ tập thành nhóm điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, nẹt phô, đua xe trái phép gây mất TTATGT, gây rối trật tự công cộng để thông báo cho các lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chăn.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()