Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 22:27 (GMT +7)
Quyết tâm diệt "giặc đói"
Chủ nhật, 31/08/2014 | 11:17:25 [GMT +7] A A
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc, trong đó có viết: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Để góp phần thực hiện ước nguyện lớn lao ấy, trong suốt 45 năm qua, Quảng Ninh đã nỗ lực không ngừng triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Đến nay, “giặc đói” đã bị đánh bại, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Quét sạch “giặc đói”
Chúng tôi đến bản biên giới Phai Lầu, xã Đồng Văn - một bản xa nhất của huyện Bình Liêu vào những ngày đầu thu se se lạnh. Khác với tưởng tượng ban đầu là nơi đây sẽ rất vắng vẻ và khó khăn, ngay khi bước chân đến, chúng tôi đã bắt gặp không khí sôi động, nhộn nhịp bởi tiếng động cơ của máy xay xát thóc pha lẫn với tiếng cười nói của người dân ở bản.
Dẫn đường cho chúng tôi là ông Dường Cắm Dìu, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, vừa đi ông Dìu vừa kể: Trước đây, đời sống người dân ở bản Phai Lầu khó khăn lắm. Người dân chủ yếu làm ruộng và đi rừng nên thu nhập thấp, thậm chí cơm không đủ ăn… Thế nhưng đến nay, nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện, điện lưới đã về bản, người dân không chỉ thoát khỏi “giặc đói” mà còn xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay không riêng bản Phai Lầu mà nhiều thôn bản khác trên địa bàn xã Đồng Văn cũng đã thoát khỏi cái đói, vươn lên phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã Đồng Văn từ 48% (năm 2010) nay đã giảm xuống còn 16%. Đây là sự nỗ lực không ngừng của các cấp, chính quyền cùng nhân dân địa phương.
Xã Kỳ Thượng, huyện Hoành Bồ cũng là một điển hình trong công tác xoá đói giảm nghèo. Ông Đặng Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng chia sẻ:
Thời gian trước, đời sống bà con nơi đây rất khó khăn. Nghề nghiệp chính của người dân chủ yếu là làm nông nghiệp. Nhưng lúc đó, một sào ruộng chỉ cho được 20kg thóc nên không đủ ăn. Bà con phải ăn cơm độn, ăn cháo để duy trì sự sống. Không những vậy, đường sá, trường trạm, điện lưới chưa có nên bà con cũng không dám nghĩ đến việc phát triển kinh tế mà chỉ dám nghĩ sao cho đủ ăn qua ngày. Nay, nhờ sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được xây dựng như: Mô hình trồng keo, trồng ba kích… Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường trạm cũng đã được đầu tư đáng kể và cái được hơn nữa chính là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của nhiều hộ nghèo đã không còn tồn tại. Nhiều hộ đã tự vươn lên làm giầu chính đáng.
Xã Đồng Văn và xã Kỳ Thượng chỉ là hai trong số nhiều xã khó khăn đã nỗ lực xoá đói giảm nghèo. Được biết, hiện Quảng Ninh nằm trong “top” 10 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn quốc. Cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, văn minh và hiện đại...
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận đó chính là nhờ sự linh hoạt, sáng tạo của Quảng Ninh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách và những hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo thoát nghèo. Trong đó, phải kể đến chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt gần 600 tỷ đồng với trên 34.000 hộ nghèo vay. Chính sách này là động lực khuyến khích hộ nghèo vay vốn vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần bao phủ màng lưới tín dụng hộ nghèo đến 100% các xã.
Đặc biệt, bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh đã bố trí ngân sách triển khai thực hiện 40 mô hình giảm nghèo ở các địa phương với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Trong đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao mức sống, thoát nghèo cho người dân tại các địa phương, tiêu biểu như: Mô hình trồng mía tím cho thu lãi 90-100 triệu đồng/ha, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà, Đầm Hà. Hay mô hình trồng nấm linh chi tại Ba Chẽ, Tiên Yên; trồng dong giềng nguyên liệu ở Bình Liêu… Cùng với đó, để hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo như: Hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo; trợ giúp pháp lý; xây mới, sửa, chữa nhà cửa… góp phần thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo hiệu quả, tạo động lực và giúp cho hộ nghèo yên tâm làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh vốn ngân sách nhà nước, việc xã hội hoá huy động nguồn lực thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo trong tỉnh cũng được chú trọng. Tiêu biểu như công tác vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”. Đến nay Quỹ các cấp đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Từ nguồn Quỹ, nhiều hộ nghèo và người nghèo, người yếu thế trong xã hội đã được hỗ trợ về cây con, giống để phát triển sản xuất; nhiều hộ gia đình nghèo đang sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát đã có cơ hội để cải thiện nhà ở bằng chương trình xây nhà ở cho người nghèo...
Bằng những bước đi phù hợp, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao mức sống của người dân, thực hiện thắng lợi di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()