Chất làm đầy (filler) là các sản phẩm được sử dụng trong y học thẩm mỹ để làm đầy các nếp nhăn, tăng thể tích cho một số vùng trên khuôn mặt (má, cằm, môi, rãnh mũi má) hoặc mu bàn tay. Tiêm filler tương đối an toàn khi bác sĩ được cấp chứng chỉ thực hiện. Song một số trường hợp vẫn có thể xảy ra biến chứng như nhiều thủ thuật y tế khác.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết quy trình tiêm chất làm đầy da thường bao gồm ba bước. Đầu tiên, bác sĩ đánh giá khuôn mặt, các vấn đề cần cải thiện và đánh dấu các điểm tiêm. Tiếp đến, người bệnh được làm sạch toàn bộ khuôn mặt ba lần bằng tẩy trang, nước sát khuẩn và nước muối. Để giảm đau, người bệnh được thoa thuốc tê lên vùng điều trị trong khoảng 30-45 phút. Ở bước ba, bác sĩ sẽ tiêm chậm filler xuống dưới da rồi nắn và điều chỉnh cho phù hợp. Toàn bộ quá trình này khoảng 60 phút.
Các biến chứng do tiêm chất làm đầy được chia thành hai nhóm. Trong đó, tác dụng phụ nhóm không liên quan tới mạch máu gồm nhiễm trùng, phù nề, nốt cục sau viêm, nổi u hạt ở vùng tiêm... Các vấn đề này thường do tiêm sai kỹ thuật, không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình tiêm, tiêm filler khi da vùng tiêm đang viêm hoặc cơ địa người bệnh nhạy cảm.
Nhóm liên quan mạch máu chủ yếu là tiêm nhầm vào mạch máu gây tắc mạch. Theo bác sĩ Trang, tắc mạch là rủi ro đáng lo ngại nhất liên quan đến filler, khiến cung cấp máu kém cho các mô. Dù khả năng thấp, nhưng nếu xảy ra, các biến chứng có thể nghiêm trọng, vĩnh viễn như hoại tử (chết mô), mù và đột quỵ.
Những vị trí có nguy cơ cao bị biến chứng liên quan tới mạch máu khi tiêm filler là vùng giữa hai đầu lông mày, mũi, trán, thái dương, rãnh mũi má... Dấu hiệu nhận biết sớm là người bệnh đau vùng tiêm, da đột ngột xuất hiện mảng màu trắng rồi chuyển dần sang xanh - xám. Cơn đau kéo dài vài tiếng sau, vùng da chuyển sang màu đỏ, xanh tím, sưng nề, nổi bóng nước và mụn mủ. Lúc này người bệnh cần nhập viện cấp cứu để tiêm thuốc giải filler loại bỏ tắc nghẽn mạch máu.
"Bất kỳ sản phẩm filler nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ tạm thời, biến chứngvĩnh viễn hoặc cả hai", bác sĩ Trang nói. Hầu hết tác dụng phụ này xảy ra ngay sau khi tiêm và nhiều tác dụng phụ hết trong vài ngày đến vài tuần. Trong một số trường hợp, biến chứng từ việc tiêm chất làm đầy da có thể xuất hiện sau vài tuần, vài tháng hoặc vài năm sau khi tiêm.
Cụ thể, ngay sau tiêm chất làm đầy người bệnh có thể bị bầm tím, sưng nề, nổi hồng ban ở vùng tiêm hoặc mù mắt. Trong một tuần đầu sau tiêm, tình trạng sưng nề, hồng ban, nhiễm trùng, dị ứng, hoại tử da có thể xảy ra. Một tuần sau, vùng tiêm có thể thay đổi sắc tố, filler di chuyển khỏi vị trí tiêm, cơ thể có phản ứng quá mẫn muộn, nổi u hạt.
Bác sĩ Trang khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp bằng filler nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da để được bác sĩ tư vấn liệu trình, sản phẩm chính hãng và liều lượng phù hợp. Thủ thuật phải được thực hiện bởi bác sĩ được đào tạo, cấp phép các chứng chỉ tiêm filler và có kinh nghiệm để tránh nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Ý kiến ()