Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 14/12/2024 11:59 (GMT +7)
Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh
Chủ nhật, 01/12/2024 | 08:56:23 [GMT +7] A A
Từ ngày 19/11 đến 20/12, du khách đến với thành phố cảng sẽ được tham quan Triển lãm "Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh". Đây là triển lãm lần đầu tiên được tổ chức trên cơ sở sự phối hợp giữa Bảo tàng Quảng Ninh và Bảo tàng Hải Phòng.
Đến với không gian trưng bày, người xem được cung cấp thông tin phong phú, từ khảo cổ học, lịch sử đến những nét đặc sắc văn hóa của ngư dân, giúp hiểu sâu hơn về di sản biển. Triển lãm được bố cục thành 3 phần: Phần thứ nhất là “Trầm tích văn hoá tiền sử Cái Bèo - Hạ Long”, phần thứ hai là “Sắc màu di sản văn hoá biển” và phần thứ 3 là “Kết nối di sản”. Đặc biệt, triển lãm tập trung tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống và các lễ hội nổi bật với 92 hình ảnh tư liệu, bản trích; hơn 200 hiện vật là các bộ xương cá, vỏ sò, vỏ ốc, đồ gốm sứ, trang phục của ngư dân.
Bà Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, cho biết: Triển lãm giới thiệu những đặc trưng di sản văn hoá biển, tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của 2 địa phương tới du khách trong và ngoài nước. Đối với Hạ Long thì đây là văn hóa biển rất năng động trong các mối giao lưu hội nhập và thích ứng văn hóa, đã phát huy nội lực, đứng vững trên cơ tầng văn hóa biển của mình, phát huy thế mạnh của cư dân sông nước và tranh thủ thành tựu của cư dân đồng bằng, để cùng các cộng đồng cư dân khác đóng góp cho văn minh Việt cổ, tạo dựng quốc gia Văn Lang - Âu Lạc sau này.
Dấu ấn văn hóa Hạ Long không chỉ thấy ở vùng ven biển Quảng Ninh mà còn có ở Hải Phòng và một số vùng ven biển phụ cận với ba nền văn hoá tiền sử nối tiếp nhau là Văn hoá Soi Nhụ, Văn hoá Cái Bèo và Văn hoá Hạ Long. Đời sống văn hóa của cư dân miền biển đã tạo nên một diện mạo văn hóa riêng nhưng cũng nằm trong dòng chảy văn hóa chung, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Trước văn hóa Hạ Long là nền văn hóa Cái Bèo do nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện năm 1938 với tổ hợp công cụ đá (rìu, bôn) có đầu nhọn thích hợp cho việc khai thác hàu, hà và gia công đồ tre, gỗ, đóng thuyền mảng. Bên cạnh đó là các công cụ như chì lưới, chày nghiền, bàn nghiền phục vụ hoạt động đánh bắt cá biển và gia công thực phẩm. Những tư liệu khảo cổ học tiền sử vùng biển là cơ sở cho việc nghiên cứu về môi trường, cổ khí hậu, sự thay đổi đường bờ do biển tiến, biển thoái, biến cố của thiên nhiên trên biển và cả bức tranh ngôn ngữ tộc người trong quá khứ.
Vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng sở hữu kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, phản ánh một cách sinh động cuộc sống của cư dân. Trong số đó, phải kể tới lễ hội chọi trâu và lễ hội Đảo Dáu (Đồ Sơn), lễ hội Xa mã Rước kiệu ở đình Hoàng Châu (huyện Cát Hải) hay như lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội Chèo bơi Quan Lạn (huyện Vân Đồn), lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), lễ hội đền Bà Men, lễ hội đình làng Giang Võng - Trúc Võng trên Vịnh Hạ Long.
Từ biển cả mênh mông, ngư dân Hải Phòng và Quảng Ninh đã sáng tạo những nét văn hoá mang đậm sắc hương thể hiện qua các truyền thuyết, truyện cổ tích của cư dân ven biển đến vè, nghệ thuật biểu diễn. Đó là các huyền thoại lập làng như “Lục vị tiên công” của người Đồ Sơn, thập cửu Tiên Công ở TX Quảng Yên, huyền thoại thần Độc Cước, Tứ vị Thánh Nương, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, bà Đế, Vua Bà...
Cùng với đó còn có nhiều loại hình diễn xướng dân gian như: Hò khoan, hò kéo neo, hò kéo buồm... Nổi bật là hát đúm ở tổng Phục Lễ xưa, nay là huyện Thuỷ Nguyên, đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên kia sông Bạch Đằng, ở làng đảo Hà Nam của TX Quảng Yên, hát đúm cũng rất phát triển. Trên Vịnh Hạ Long còn có loại hình hát giao duyên đặc sắc vốn quen gọi là hát chèo đường (vừa chèo thuyền đi đường vừa hát).
Bên cạnh những câu chuyện chung về lịch sử hào hùng và gắn bó sâu sắc với sự phát triển của đất nước như chiến thắng Bạch Đằng, hai địa phương đều giàu vốn di sản văn hóa biển. Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Triển lãm là dịp để 2 địa phương thắt chặt sự hợp tác, liên kết, phối hợp chung trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Triển lãm không chỉ tôn vinh các di sản văn hóa biển mà còn thúc đẩy ý thức cộng đồng về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển và giữ gìn văn hóa bản địa.
Thực tế cho thấy, kế thừa truyền thống, hệ tri thức dân gian của người xưa, 2 địa phương đang đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế biển xanh, phát triển dịch vụ biển và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, hòa nhập với xu thế phát triển chung của đất nước, khu vực và thế giới. Ông Đoàn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Cuộc sống, sinh hoạt văn hoá biển là những chất liệu quan trọng cho phát triển du lịch. Tôi nghĩ rằng, tài nguyên biển 2 tỉnh sẽ là điều kiện để phát triển du lịch trải nghiệm văn hoá của 2 địa phương rất tốt.
Phạm Học
- Khai mạc triển lãm "Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh"
- Đậm đà nét văn hóa biển ở Lễ hội đền Bà Men
- Hạ Long nên có Bảo tàng Văn hoá biển?
- "Những chủ nhân của văn hóa biển đảo Đông Bắc đã sáng tạo ra nhiều giá trị quý giá"
- Kiến tạo văn hóa biển thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững tại huyện đảo Cô Tô
- Cô Tô - Nơi hội tụ những dòng chảy văn hoá biển
- Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo của Quảng Ninh
- Sức sống văn hoá biển trong tâm hồn người dân Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()