Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:38 (GMT +7)
Sắc màu văn hoá dân gian qua tranh của hoạ sĩ Vũ Tư Khang
Thứ 6, 04/02/2022 | 14:22:33 [GMT +7] A A
Đã từ lâu, nói đến những “cây cọ” tên tuổi ở Quảng Yên, người ta nhắc đến Vũ Tư Khang và nói đến tranh khắc ở Quảng Ninh là cũng nhắc đến ông. Với Vũ Tư Khang, tranh - đặc biệt là tranh khắc đã đi cùng ông suốt cả cuộc đời.
Năng khiếu hội hoạ từ nhỏ
Họa sĩ Vũ Tư Khang sinh năm 1943 nhưng khai sinh là năm 1945 tại xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên. Khiếu hội họa ông đã bộc lộ khi còn nhỏ. Lúc trưởng thành ông đã có thời gian tham gia kẻ, vẽ khi làm cán bộ Văn hóa Thông tin của xã.
Năm 1965, Vũ Tư Khang theo học lớp vẽ tập trung tại Đầm Hà của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh do cố họa sĩ Hoàng Công Luận đứng lớp. Năm 1966, thầy Luận về Yên Hưng quê ông mở lớp, ông lại tiếp tục theo học. Năm 1968, vào bộ đội, ông làm báo và vẽ cho tờ “Tuyền tuyến” trong tuyến lửa Trường Sơn và theo học các lớp tập huấn do quân đội tổ chức nhưng với sáng tác hội họa, có lẽ thời “thăng hoa” nhất của ông là sau khi xuất ngũ về quê, vừa làm ăn kiếm sống vừa vẽ. Cảm hứng sáng tác của ông đều được khơi nguồn từ mảnh đất quê ông - vùng quê với dày đặc di tích lịch sử và văn hóa dân gian truyền thống. Những tác phẩm đã dành nhiều giải thưởng của ông phải kể đến, như tranh: “Bộ đội Quảng Ninh trên Trường Sơn” - giải B về đề tài chiến tranh cách mạng năm 1984-1989; “Đầm tôm” - giải B Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 1994, “Kênh mương Yên Lập” - giải A Giải Văn nghệ Hạ Long năm 1991 cùng nhiều giải thưởng danh giá khác đã đọng lại trong giới mỹ thuật về “họa sĩ tranh khắc” với “chiếu riêng” về dòng tranh khắc mang sắc màu văn hóa dân gian truyền thống khó lẫn với ai mà nhiều người ao ước.
Trả công cho sự lao động kiên trì, bền bỉ, say mê sáng tạo đã mang đến cho Vũ Tư Khang những thành công xứng đáng trong từng tác phẩm. Mỗi tác phẩm còn là những cung bậc cảm xúc về tình yêu đất nước - con người mà ông đã ăn, ở, đánh giặc, đi và quan sát khắp vùng miền đất nước, từ bức: “Trường Sơn”, rồi “Thăm đồi A1”, “Dân quân Pa Cô - Tây Nguyên” đến “Cao nguyên đá”v.v..
“Chiếu riêng” với dòng tranh khắc
Vũ Tư Khang vẽ nhiều, nhiều cả về đề tài, thể loại và trên nhiều chất liệu khác nhau nhưng với tranh khắc (sơn mài và khắc gỗ) là chất liệu “có duyên” và nổi trội hơn cả với chiếc “chiếu riêng” của mình. Tranh sơn khắc và khắc gỗ là loại tranh truyền thống, qua những bản khắc mà dòng tranh dân gian còn được lưu giữ lâu bền cho đến bây giờ. Cũng vì đòi hỏi sự kiên trì, dụng công, mất nhiều thời gian, lại tốn kém về đầu tư vật liệu, kén chọn chất liệu nên hiện tranh khắc ít được các họa sĩ dám “dấn thân”, ấy là chưa kể đến tranh “có đứng được” trong thời đại công nghiệp hóa 4.0 hôm nay. Qua những tác phẩm ta mới thấy sự vượt qua và có được cái riêng rất đáng trân trọng về dòng tranh khắc của ông, là thứ “hàng hiếm” trong các chất liệu hội họa của các họa sĩ ở tỉnh cũng như trong nước.
Ở bức “Kiệu rồng” thoạt xem ngỡ ông biến tấu từ những bức rồng phượng được trạm lộng trên những cánh cửa đền, chùa, miếu quê ông, nhìn kỹ thì đó là tranh về cảnh chiếc thuyền rồng trong ngày khải hoàn ca chiến thắng của quân dân nhà Trần tạ ơn anh linh tiên tổ đã được cách điệu với bát bảo khí, cờ xí, khói hương đầy vẻ trang trọng, uy nghiêm qua nét khắc tinh tế, công phu, tỉ mỉ nhưng lại rất linh hoạt, gợi mở cùng gam màu nóng ấm, nguyên sắc gần với màu sơn mài và màu của dòng tranh dân gian truyền thống. Người xem như được dẫn dụ đến với dòng tranh dân gian Đông Hồ, hoặc gần với những bức họa dân gian cổ truyền trong các bức tranh khắc, bức thêu xưa, nhưng đã được họa sĩ chuyển hóa, biểu cảm với hơi thở của cuộc sống mới hôm nay một cách vừa là nó mà không phải nó.
Người xem tranh ông còn cảm thấy như ông gói gọn cả một vùng núi non, cùng người, cảnh vật vào một diện tích trong tác phẩm mà như là phải thế, không thể khác được như ở bức: “Cha rồng, mẹ phượng”, “Lễ hội Tiên công” hay “Lễ hội Yên Tử”... Cũng với thủ pháp nhìn từ trên cao theo lối “Thấu thị phi điểu” dựng ngược mặt nước theo một mặt phẳng, tính ước lệ không lệ thuộc luật thấu thị xa gần của tranh phương tây, như: “Hội bơi làng Cốc”, “Đầm tôm”, “Thủy chiến Bạch Đằng”, hay như bức “Lễ hội Yên Tử”, “Đóng cọc trên sông Bạch Đằng” ông đều dùng thủ pháp này. Tranh của ông thường vẽ với kích cỡ lớn (có bức cỡ 1,2m x 2,4m) như được tạo dựng với những đại cảnh, hoành tráng trong những mảng sáng tối, như được sắp đặt, dàn cảnh trải dài, nối tiếp nhau qua những mảng sáng, tối đan xen, tạo ra những cung bậc nhịp điệu trong sự diễn đạt, chính nhịp điệu ấy cùng nét khắc trong tranh đã làm nên cái riêng của họa sĩ. Nét khắc trong tranh ông là cách xây dựng hình tượng nhân vật qua những công - tua nét đậm, mảnh, nét buông, bỏ và đứt đoạn diễn đạt theo lối riêng: thô tháp, mộc mạc, gợi mà không tả, nhiều khi ông bỏ quên cả những chi tiết của nét mắt, mũi của mặt người như bỏ qua do sự “lướt nhanh” nên “khác mà gần” “gần mà khác” với mô tip, họa tiết của dòng tranh dân gian, nhất là trong những tác phầm về hội hè.
Hiện cũng không hiếm các họa sĩ vẽ về đề tài hội hè đông người, nhưng có sức sống như tranh của Vũ Tư Khang thì không dễ mấy ai. Cũng với cách nhìn theo lối tranh dân gian “Thấu thị tẩu mã” (nhìn trên lưng ngựa) tranh của ông còn rất thành công trong nhiều bức khắc về công nghiệp, tưởng như sự nặng nề của máy móc thì rất khó để ăn nhập, như bức: “Đúc ống bê tông”, “Đóng tàu biển”, “Nhà sàng Vàng Danh”… vậy mà qua lối diễn đạt dân gian rất riêng của mình, ông lại cho người xem thấy sự bay bổng, nhẹ nhàng, mới lạ.
Bền bỉ sáng tác
Điều thú vị nữa là nhiều tranh của Vũ Tư Khang với số lượng rất đông người (có tranh đến hàng trăm nhân vật) nhưng không nhân vật nào trùng nhau về dáng dấp, vẻ mặt, thần thái, cũng như cử chỉ… đều đã được ông nghiên cứu sâu, kỹ qua những ngày mà ông thường hay đi vẽ thực tế, mà chắc chắn còn là do nghệ sĩ đã “bắt gặp” cái mạch ngầm của sắc màu dân gian truyền thống đã tạo nên cái duyên - rất riêng ấy trong nhiều tác phẩm của họa sĩ. Những tác phẩm của ông còn như là gan ruột của tác giả trải lòng đến với người xem qua lối kể chuyện mộc mạc, chân chất, thật thà mà không kém phần dí dỏm với cái duyên riêng. Và tinh hoa nghệ thuật có lẽ hiểu cho đúng luôn là một giá trị của sự tiếp tục thông qua sự sáng tạo và cảm quan cùng cái gu của người nghệ sĩ.
Qua hàng trăm tác phẩm đã sáng tác của Vũ Tư Khang, người xem thực sự xúc động trước sự say mê, kiên trì, bền bỉ trong lao động sáng tạo, góp vào cho dòng chảy mỹ thuật của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung một “chiếu riêng” - rất riêng của sắc màu văn hóa dân gian trong tranh khắc Vũ Tư Khang. Như một người xem triển lãm riêng của ông tại Hà Nội năm 1995 đã lưu bút: “Tôi thấy tin yêu cuộc đời và đất nước mình hơn khi được xem những tác phẩm đầy sắc màu văn hóa dân gian qua triển lãm tranh của ông”.
Được biết, hiếm ai có được số lượng với hàng chục tác phẩm có mặt tại các bảo tàng cùng hàng trăm bức tranh đã được bán, được lưu giữ trong tay các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước với số tiền thu nhập “khủng” mà nhiều họa sĩ đều ước muốn.
Với Vũ Tư Khang, tranh - đặc biệt là tranh khắc đã đi cùng ông suốt cả cuộc đời. Ông còn là một tấm gương lao động nghệ thuật kiên trì, sáng tạo, với lối sống giản dị, khiêm nhường, ham học hỏi, có nhiều công lao trong việc đào tạo và là người truyền lửa đam mê nghệ thuật cho các lớp thế hệ họa sĩ trẻ trên đất “Làng tranh Yên Hưng” cũng như lực lượng hội họa trẻ của Quảng Ninh. Ở vào tuổi gần 80, ông hay bị đau yếu do huyết áp, nhưng cứ khỏe lên là ông lại vẽ, lại khắc. Với những chiếc bút vẽ thường thường và những con dao khắc thân thuộc, Vũ Tư Khang vẫn không ngừng đi, không ngừng sáng tác, bởi như ông vẫn thường tâm sự: “Tôi làm việc không vì thiếu về tiền bạc, nhưng không vẽ, tôi cảm thấy mình như bị thiếu đi cái gì đó”.
Đặng Đình Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()