Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:31 (GMT +7)
Sai lầm thường gặp khiến bệnh cúm lâu khỏi
Thứ 5, 30/03/2023 | 10:34:23 [GMT +7] A A
Trong khi bị cúm, nhiều người vẫn có thói quen đi ra ngoài, hút thuốc lá, hoặc ở nhà nhưng đóng kín cửa suốt cả ngày. Những điều này có thể khiến bệnh kéo dài và lâu khỏi hơn.
Đối với một số người, việc mắc bệnh cúm có vẻ chỉ gây phiền toái đôi chút nhưng nhanh khỏi, không quá lo lắng. Đối với một số người có thể đúng như vậy, nhưng đối với những người khác, đặc biệt là nhóm có "nguy cơ cao", bị cúm có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe bất lợi.
Nhóm này bao gồm trẻ em dưới hai tuổi, người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh nền như hen suyễn và bệnh tim. Khi bất kỳ ai trong nhóm này bị cúm, họ có nguy cơ gặp các biến chứng có thể dẫn đến nhập viện và thậm chí tử vong.
Vì vậy, nếu bạn bị mắc cúm, điều bắt buộc là bạn cần biết không nên làm gì để nhanh khỏi bệnh và tránh một số sai lầm dưới đây.
Đi ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người
Theo Weather Channel, bạn thực sự dễ lây bệnh từ một ngày trước khi bắt đầu có dấu hiệu cúm cho đến trong suốt 5-7 ngày sau đó. Vì bạn không thể làm gì trong ngày đầu tiên đó, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm lây lan là hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt khi bắt đầu có các triệu chứng.
Tất nhiên, cách tốt nhất để làm điều này là ở yên trong nhà trong suốt thời gian bị bệnh, hạn chế tiếp xúc với người thân, bạn bè, đặc biệt là trẻ em. Điều đó có nghĩa là không hôn hoặc ôm cho đến khi các triệu chứng cúm thuyên giảm.
Ngoài ra, vì virus cúm có thể di chuyển dưới dạng các hạt siêu nhỏ khi bạn ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bạn nên tránh xa các không gian sinh hoạt chính - như phòng khách và nhà bếp.
Đặc biệt, virus cúm tấn công mạnh nhất khi thời tiết lạnh. Thông thường, tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể là màng nhầy, nhưng không khí lạnh khiến màng nhầy khó đào thải hơn.
Khi virus ở bên trong cơ thể, các tế bào miễn dịch chuyên biệt gọi là thực bào được thiết kế để chống lại những kẻ xâm nhập sẽ hoạt động. Nhưng không may, nhiệt độ giảm cũng làm suy yếu chức năng của chúng. Tất nhiên, bạn không thể kiểm soát thời tiết bên ngoài, nhưng có thể hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ lạnh khi bị ốm. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn ở trong nhà càng nhiều càng tốt cho đến khi khỏi bệnh.
Hút thuốc
Theo Best Life, nếu là người hút thuốc thường xuyên và bị cúm, bạn nên bỏ thuốc. Các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Yale (Mỹ) phát hiện những người hút thuốc lá nặng không thể phản ứng tốt với bệnh cúm. "Trong khi những người không hút thuốc có thể chống lại nhiễm trùng mà không bị tổn thương lâu dài, những người hút thuốc bị tổn thương mô và sẹo", tiến sĩ Jack A. Alias, tác giả nghiên cứu, giải thích.
Bên cạnh đó, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thorax cho thấy hơi từ thuốc lá điện tử làm tăng sản xuất các hóa chất gây viêm và cho phép các hạt có hại như vi khuẩn xâm nhập vào phổi.
Uống sai thuốc
Nhiều người cho rằng những gì cần làm khi bị cúm là sử dụng thuốc không kê đơn OTC để cảm thấy dễ chịu hơn. Các nhà nghiên cứu Canada phát hiện các loại thuốc có chứa NSAID, acetaminophen hoặc ibuprofen (như DayQuil, Tylenol và Motrin) không có tác dụng thực sự đối với những người bị nhiễm virus cúm. Chúng chỉ "che đậy" các triệu chứng của bệnh cúm.
Ngoài ra, nhiều người lại sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cúm. Thật không may, vì bệnh cúm bắt nguồn từ virus, thuốc kháng sinh sẽ không thực sự hiệu quả với bệnh này. Thậm chí, bạn có nguy cơ trở nên kháng thuốc, thời gian hồi phục lâu, bệnh nặng và phải đi khám bác sĩ thường xuyên hơn.
Trong khi đó, trẻ em dưới 18 tuổi bị cúm không nên sử dụng aspirin vì có nguy cơ mắc hội chứng Reye cao hơn, có thể gây tổn thương gan và não.
Không rửa tay thường xuyên
Nếu bị bệnh do virus cúm, bạn nên đảm bảo rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng để tránh lây nhiễm cho bất kỳ ai khác. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), rửa tay bằng xà phòng có thể làm giảm khoảng 20% số ca bệnh về đường hô hấp - bao gồm cả bệnh cúm - trong dân số nói chung.
Ngoài ra, việc sử dụng chung khăn lau tay với các thành viên trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus cho mọi người. Tiến sĩ Peter Shearer, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ), khuyến cáo trong mùa cúm, mọi người nên lau khô tay bằng khăn giấy, vừa hợp vệ sinh vừa giảm nguy cơ nhiễm virus.
Ngừng tập thể dục
Mặc dù bị ốm khiến bạn chỉ muốn nằm uể oải trên giường cả ngày, tốt nhất là bạn nên cố gắng (nếu có thể) tập luyện nhẹ nhàng để tăng nhịp tim lên một chút.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nursing Older People, chỉ cần tập thể dục thường xuyên có thể tăng cường phản ứng tiêm chủng, tăng tế bào T và chức năng của các tế bào "sát thủ" tự nhiên trong hệ thống miễn dịch. Tất cả điều này đều có thể giúp chống lại bệnh cúm.
Tiêu thụ nhiều muối
Theo Jonathan Valdez, chuyên gia dinh dưỡng và chủ sở hữu của Genki Nutrition, thực phẩm có hàm lượng natri rất cao sẽ làm cơ thể mất nước. Khi cơ thể bạn bị mất nước, hệ thống miễn dịch sẽ suy yếu - chẳng hạn cơ thể không thể tiết ra nhiều protein kháng khuẩn vào nước bọt - và do đó kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn mầm bệnh.
Đóng cửa sổ suốt cả ngày
Ngay cả khi bên ngoài trời lạnh khó chịu, bạn hãy cố gắng mở cửa sổ ít nhất mỗi giờ một lần trong vài phút. Lý do là virus có thể lây lan qua không khí nên việc mở cửa sổ sẽ cho phép khí bệnh tràn ra bên ngoài và không khí trong lành vào bên trong.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()