Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 13:45 (GMT +7)
Sản phẩm du lịch đặc trưng
Chủ nhật, 07/04/2013 | 05:07:32 [GMT +7] A A
Báo Quảng Ninh điện tử cách đây mấy hôm có đăng bài viết phản ánh tình trạng di tích Núi Bài Thơ đang bị bỏ hoang, không có ai quản lý, bảo vệ. Thậm chí, theo tác giả cho biết, con đường lên núi phải qua một cái ngách nhỏ chỉ đủ một người lọt qua và ở đó du khách nếu muốn đi tiếp thì phải nộp “lệ phí” là 10.000 đồng(?); còn bên trong, vốn là khu di tích tổng đài Bưu điện tỉnh thời kỳ chống Mỹ, thì “nhốt đến vài chục con dê, mùi phân dê bốc lên nồng nặc”...
Bài viết sau khi đăng đã có nhiều ý kiến phản hồi. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý tới ý kiến của một bạn đọc tên là Lê Phương Lan. Chị Lan viết: “Không thể hiểu nổi một danh lam thắng cảnh có ý nghĩa với người dân Hạ Long Quảng Ninh mà chính quyền lại thờ ơ như vậy. Chỉ cần 1-2 buổi tình nguyện chắc hẳn các đoàn viên thanh niên cũng dọn dẹp được. Đành rằng là địa điểm ít người tới, nhưng khách châu Âu rất thích leo núi. Ở nước ngoài để đứng trên ngọn núi cao nhìn toàn thành phố người ta phải mất rất nhiều chi phí...”.
Từ chuyện mà tác giả bài báo phản ánh, lại nhớ trong rất nhiều cuộc hội nghị bàn về phát triển dịch vụ du lịch của Quảng Ninh nói chung, Hạ Long nói riêng, người ta vẫn luôn nói đến một “điểm yếu” của tỉnh, ấy là thiếu sản phẩm mang tính đặc trưng! Nhiều người vẫn phàn nàn rằng đến Hạ Long, ngoài đi thăm Vịnh, không còn biết đi đâu, làm gì v.v.. Mới đây, để bớt nhàm chán cho du khách, một số hãng lữ hành đã tổ chức thêm tour du lịch tham quan thành phố Hạ Long, mà thực chất chỉ là tổ chức cho khách đến thăm 3 điểm: Chùa Long Tiên, chợ Hạ Long, sau đó vào nghe ca nhạc dân tộc tại rạp Bạch Đằng! Trong khi đó, núi Bài Thơ, một di tích văn hoá, một thắng cảnh rất đáng tham quan, thì lại... như vậy đấy!
Vì sao lại có chuyện như vậy? Còn nhớ cách đây đã hơn chục năm, trong Dự án xây dựng Khu bảo tàng sinh thái Hạ Long, chủ đề đầu tiên được nhấn mạnh (trong số 12 chủ đề được nêu trong Dự án) chính là núi Bài Thơ. Theo đó, núi Bài Thơ, với giá trị về lịch sử - văn hoá, về điều kiện địa hình v.v.. sẽ là một điểm tham quan tuyệt vời cho du khách. Một dự án rất quy mô và không phải không có cơ sở thực tiễn, nhưng đã “giữa đường đứt gánh” vì nhiều lý do... Để từ đó cho đến bây giờ, núi Bài Thơ vẫn bị bỏ hoang. Đây quả là điều đáng tiếc! Nhưng còn đáng tiếc hơn ở chỗ, không những không được đưa vào khai thác như một sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương, núi Bài Thơ còn chưa được đối xử trân trọng như với một di tích văn hoá - thắng cảnh. Chỉ một chuyện đơn giản là lối lên núi có một nhà dân chắn ngang mà cũng không giải toả được ư? Thậm chí còn để họ tự ý thu “lệ phí” thì quả là... hết chỗ nói!
Ai đã có lần leo lên đỉnh núi Bài Thơ, dù là bất cứ vào thời điểm nào trong ngày, hẳn cũng sẽ thấy đây là nơi đáng để đặt chân đến như thế nào! Nhìn từ trên cao xuống, Vịnh Hạ Long đã kỳ ảo lại càng kỳ ảo hơn; chưa kể, chỉ có ở đó, ta mới có điều kiện ngắm nhìn toàn cảnh thành phố một cách đẹp nhất... Vậy nên, cho dù khó đi, cho dù phải “nhăn mũi” bởi những mùi xú uế dọc đường (chưa kể chuyện phải nộp “lệ phí” như trong bài báo nhắc đến), thì nhiều du khách đến Hạ Long vẫn tìm cách leo lên đỉnh núi Bài Thơ...
Chỉ e sau chuyến đi như vậy, không ít trong số họ, ngoài cảm xúc đẹp về nước non, biển trời v.v.. còn có cả sự bực mình, khó chịu bởi những điều không đáng có như đã nói ở trên!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()