Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:14 (GMT +7)
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết
Thứ 5, 13/05/2021 | 12:02:27 [GMT +7] A A
Thời gian qua, TP Móng Cái đã triển khai hiệu quả quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh đã bước đầu hình thành các chuỗi sản xuất, gắn kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và gắn với chương trình OCOP của tỉnh.
Người dân xã Hải Đông (TP Móng Cái) thu hoạch khoai lang lim. |
Theo người dân thôn 2 (xã Hải Đông, TP Móng Cái) cho biết, do thổ nhưỡng phù hợp, khoai lang lim đã trở thành đặc sản của Hải Đông bởi vị thơm, ngon riêng có. Hằng năm, diện tích trồng khoai lang của xã khoảng 70-80ha, thu hoạch hàng trăm tấn. Những năm trước, mặc dù sản lượng cao, khoai ngon nhưng người dân chưa phát triển sản xuất theo hình thức sản xuất hàng hóa, bởi khoai khó tiêu thụ. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, khoai lang lim đã thực sự trở thành một sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người dân xã.
Để nâng cao giá trị sản phẩm khoai lang, xã hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm khoai lang của địa phương. Đặc biệt, xã phối hợp với HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Thái An (phường Ninh Dương, TP Móng Cái) thực hiện mô hình chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, gắn với tiêu thụ sản phẩm khoai lang lim Móng Cái. Theo đó, HTX thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết từ khâu sản xuất nguyên liệu đến gia công chế biến, nâng tầm các giá trị sản phẩm.
HTX đang liên kết với người dân Vĩnh Thực, Hải Đông, Hải Tiến, Ninh Dương... trong sản xuất, thu mua tỏi tím, khoai lang lim, măng tây. Sản lượng thu mua hàng chục tấn mỗi năm để sản xuất thành công các sản phẩm OCOP. Tỏi tím, khoai lang lim sấy, măng tây chế biến tiêu chuẩn OCOP cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, các siêu thị tại nhiều tỉnh, thành trong nước, được thị trường ưa chuộng, góp phần phát triển sản xuất, đưa sản phẩm khoai lang lim Móng Cái, tỏi tím Vĩnh Thực đến người tiêu dùng trong nước.
Người tiêu dùng của TP Móng Cái và các vùng trong và ngoài tỉnh đã sớm biết đến các sản phẩm: Giò lụa, nem chua, chả lụa, chân giò hun khói, mắm tép chưng thịt, ruốc bông... được sản xuất từ thịt lợn Móng Cái của HTX Giò chả Quang Dần (phường Ka Long, TP Móng Cái).
Từ 3 năm nay, HTX Giò chả Quang Dần liên kết với HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) thực hiện chuỗi liên kết sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt lợn Móng Cái. HTX Giò chả Quang Dần tổ chức ký hợp đồng, thu mua thịt lợn Móng Cái để chế biến sản phẩm giò, chả, mắm tép, giăm bông... công suất 1 tấn sản phẩm/năm. Thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết với HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc mở rộng quy mô chăn nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; dự kiến thực hiện dự án chế biến, quy mô 10 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng.
Với thế mạnh về nuôi tôm thẻ chân trắng, TP Móng Cái đã đầu tư hạ tầng vùng nuôi, ứng dụng KHKT trong sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng tôm thẻ chân trắng; đưa tôm thẻ chân trắng trở thành một sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương; bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm tôm thẻ chân trắng với 60 hộ nuôi tôm tham gia, sản lượng hàng trăm tấn mỗi vụ.
TP Móng Cái đã hình thành các chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến tôm thẻ chân trắng. |
Phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, TP Móng Cái triển khai hiệu quả các quy hoạch sản xuất tập trung; bước đầu thí điểm và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với phát triển các sản phẩm OCOP. Thành phố tập trung ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Vì vậy, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Móng Cái đạt từ 950 triệu đến hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 27 tổ hợp tác chăn nuôi lợn Móng Cái, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản; 28 HTX nông nghiệp; 57 trang trại. Các HTX, tổ hợp tác, trang trại đã thể hiện vai trò hướng dẫn các hộ thành viên chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, góp phần phát triển, xây dựng nền sản xuất bền vững, từng bước nâng cao tính cạnh tranh của nông sản.
Quế Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()